Theo các chuyên gia, chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số và nhiều doanh nghiệp đang tăng tốc chuyển đổi số để hòa vào làn sóng 4.0. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thành công, thậm chí có đến hơn 70% doanh nghiệp thất bại trong việc chuyển đổi số, theo báo cáo của McKinsey năm 2021. Trong đó, việc thiếu kiến thức, chưa sẵn sàng, nguồn lực hạn chế... trở thành nút thắt của rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam.
Đầu tiên là nguồn lực hạn chế. Các doanh nghiệp SME muốn chuyển đổi số nhưng lại gặp khó khăn trong đào tạo nhân sự, nhân viên không quen vận hành công nghệ. PGS.TS Trần Hà Minh Quân, Viện Trưởng ISB cho rằng: "Nhiều doanh nghiệp vừa phải làm công việc hàng ngày để bảo đảm kinh doanh sản xuất, vừa phải đối phó với vận hành hệ thống công nghệ nên quá tải. Đơn vị nào có lãnh đạo quyết liệt sẽ hoàn thành chuyển đổi số nhưng không trọn vẹn, chẳng hạn chỉ tận dụng được một vài tính năng của hệ thống".
Thứ hai, việc định hướng cũng là một thách thức. Theo khảo sát của Vinasa năm 2020, có đến 92% doanh nghiệp Việt mong muốn hoặc có ý định tìm hiểu chuyển đổi số, nhưng phần lớn đều không thực sự hiểu chuyển đổi số là gì và nên bắt đầu từ đâu.
Ông Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số, Viện ISB cho rằng chuyển đổi số không phải là vấn đề của công nghệ, mà là sự nhận thức đúng đắn về mặt công nghệ. Ông nhận định trước khi tiến hành số hóa, doanh nghiệp cần xác định "con người, dữ liệu và quy trình của mình đã sẵn sàng hay chưa".
Một khó khăn khác là sự thiếu kiến thức và chưa sẵn sàng. Theo PGS. TS Trần Hà Minh Quân, phần lớn doanh nghiệp thất bại khi tiến hành số hóa không có sự sẵn sàng ở hai nhóm đối tượng là ban lãnh đạo và đội ngũ tiên phong của doanh nghiệp đó. Khi triển khai bất cứ phần mềm, giải pháp nào, dù công cụ có tốt đến đâu nhưng không có sự sẵn sàng của con người thì tất cả những mục tiêu đều là không khả thi.
Cuối cùng, nhiều doanh nghiệp khi chuyển đổi số chưa xem trọng vai trò của yếu tố truyền thông nội bộ. Truyền thông là một yếu tố rất quan trọng nhưng ít khi được nhắc đến trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. "Các doanh nghiệp ít khi quan tâm đến việc giúp nhân viên hiểu được tầm quan trọng của chuyển đổi số, vì sao cần phải thay đổi công cụ và phương thức làm việc mới cũng như phân tích để nhân viên cùng có tầm nhìn và quan điểm chung trong hành trình này", ông Thiện bày tỏ.
Làm gì để hạn chế chuyển đổi số thất bại
Theo ông Thiện, trước hết, doanh nghiệp cần có những bước đánh giá sự sẵn sàng để biết được đơn vị đã thật sự chuyển mình khi bắt đầu thực hiện chuyển đổi số hay chưa. Bởi đây là cả một hành trình thay đổi về văn hóa doanh nghiệp, quy trình vận hành, công cụ và cách làm việc mới.
Đánh giá sự sẵn sàng là đánh giá về mặt tư duy, nhận thức ở các cấp lãnh đạo - những người dùng chính - để họ thấy được tầm quan trọng của việc chuyển đổi. Từ đó, các nhà quản lý, lãnh đạo có thể nhận diện được những rủi ro, quản lý và kiểm soát rủi ro trước khi triển khai thực tế.
Kế đó, doanh nghiệp cần có cái nhìn tổng thể về bức tranh chuyển đổi số ngay từ khi bắt đầu, điều này giúp doanh nghiệp định hình và có cái nhìn nhất quán về lộ trình triển khai dự án, nhằm có những bước chuẩn bị tốt nhất cho doanh nghiệp, đồng thời cũng hình dung được những gì có thể và không thể thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, tham gia các khóa đào tạo về trải nghiệm chuyển đổi số để giúp doanh nghiệp đánh giá lại sự chuẩn bị nguồn lực về con người, kinh phí, cũng như sự sẵn sàng về mặt nhận thức, tư duy. Qua đó, sẽ giúp doanh nghiệp nhìn lại điều kiện hiện tại đã thật sự sẵn sàng hay phải đợi thêm thời gian.
"Chuyển đổi số là cả một hành trình và là sự thử thách thay đổi cả một quy trình quản trị doanh nghiệp với cách làm việc mới, công cụ mới và văn hóa mới. Chuẩn bị tốt ở những bước đầu sẽ giúp chúng ta giảm thiểu và hạn chế mức độ nào đó sự thất bại trong hành trình này", PGS.TS Trần Hà Minh Quân nhấn mạnh.
Thế Đan
Go-live experience for SME+ là khóa học trải nghiệm chuyển đổi số được tổ chức bởi Viện ISB, Đại học Kinh tế TP HCM phối hợp cùng Công ty Cổ Phần Base Enterprise. Khóa học được xây dựng như một khóa đào tạo bài bản kết hợp chặt chẽ giữa kiến thức và triển khai mô phỏng tình huống thực tế.
Ngoài ra, ISB - Consulting là một dự án của Viện ISB nhằm cung cấp các chương trình "Tư vấn doanh nghiệp" được đưa ra dựa trên các phương pháp tiếp cận hiện đại, giúp doanh nghiệp xác định và giải quyết vấn đề, phù hợp với xu hướng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số hiện đại. Đơn cử, tư vấn doanh nghiệp theo phương pháp PSO (Problem Solving in Organization), nhằm giúp tổ chức và cơ cấu lại doanh nghiệp từ khâu hoạch định chiến lược đến thực thi, tập trung xoay quanh các lĩnh vực quản lý chủ yếu của doanh nghiệp.
Tìm hiểu thông tin chi tiết về khóa học Go live Experience for SME+ tại đây