Các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge (Anh) đã thu thập dữ liệu trong hai năm đại dịch và phát hiện thực tế khi cả hai giới có nhiều thời gian ở nhà nhưng phụ nữ vẫn làm nhiều hơn.
Đơn cử, một khảo sát thực hiện với các hộ gia đình Mỹ, 70% phụ nữ làm tất cả hoặc hầu hết việc nhà; 66% cho biết họ làm tất cả hoặc hầu hết công việc chăm sóc con cái. Con số này vẫn gần như các kết quả khảo sát khi không có dịch bệnh.
Qua nhiều dữ liệu, các nhà nghiên cứu đặt câu hỏi tại sao cả đàn ông và phụ nữ ở nhà mà phụ nữ vẫn gánh vác phần lớn việc nhà và con cái?
Tom McClelland, giảng viên khoa Lịch sử và Triết học tại Đại học Cambridge, cho biết không thể dùng hiểu biết thông thường để giải thích cho sự bất bình đẳng kéo dài và việc nhiều nam giới thờ ơ với công việc gia đình, mà phải dùng khoa học.
"Sự bất bình đẳng này có thể được giải thích bằng 'thuyết khả năng tương tác', tức đề cập đến những hành động ngầm mà con người cảm nhận được khi gặp các đối tượng và tình huống nhất định", McClelland nói trong kết quả đăng trên tạp chí Philosophy and Phenomenological Research mới đây.
Cụ thể, thuyết này giải thích khi một người phụ nữ bước vào bếp, nhiều khả năng cô ấy sẽ nhìn thấy bát đĩa đang chờ rửa và tủ lạnh cần được bổ sung. Trong khi đó, đàn ông cũng nhìn thấy bát đũa bẩn, phòng bếp bừa bộn hay chiếc tủ lạnh trống rỗng, nhưng không cảm nhận được sự "thôi thúc về tinh thần" để phải dọn dẹp ngay. Theo thời gian, những khác biệt nhỏ này tạo nên sự chênh lệch đáng kể về những việc các chị em làm, còn anh em thì không.
Nhưng các chuyên gia nói rằng nghiên cứu này không nhằm khuyến khích đàn ông chối bỏ trách nhiệm hay bào chữa cho họ.
McClelland nói, nhận thức được định hình bằng thực tiễn và mọi người có thể tự huấn luyện cho não bộ để hình thành thói quen tốt. "Nếu bạn đang đun nước, hãy để ý xem có chiếc bát nào cần rửa, mặt bếp có bẩn cần lau. Theo thời gian, bạn không cần phải tập thói quen đó nữa vì bạn sẽ bắt đầu chú ý đến những gì cần dọn dẹp", ông khuyên.
Phát hiện của nghiên cứu này cung cấp một bằng chứng từ góc độ học thuật, từ đây có thể tác động đến các chính sách lớn, ví như nghỉ phép có lương cho nam giới để chăm con.
"Nếu một người đàn ông có nhiều thời gian nghỉ phép hơn để chăm sóc con cái, anh ta sẽ dần hình thành được thói quen thấy việc là làm, chứ không cần phải nhắc nhở... và điều đó sẽ dẫn đến sự phân bổ việc nhà giữa hai giới công bằng hơn trong tương lai", McClelland nói.
Bảo Nhiên (Theo AFP/Dailymail)