Sở Y tế ghi nhận đến ngày 6/9, Hà Nội có 6 chùm ca bệnh, gồm ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân với 488 ca; ổ dịch tại quận Đống Đa, trong đó phường Văn Miếu có 117 ca, Văn Chương có 90 ca; phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai có 46 ca; xã Tân Lập, huyện Đan Phượng có 20 ca; chợ Ngọc Hà, quận Ba Đình có 18 ca.
Ổ dịch Thanh Xuân Trung có số nhiễm cao nhất. Một số biện pháp khẩn cấp được chính quyền đưa ra: di dời khoảng 1.200 người dân sống tại ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi tới cách ly tập trung tại ký túc xá Đại học FPT trong 14 ngày; duy trì kiểm soát bằng các chốt trực theo mô hình 3 lớp, lắp camera theo dõi, cách ly... Đại diện Sở Y tế Hà Nội, hôm 3/9 đánh giá ổ dịch Thanh Xuân Trung "về cơ bản đã được kiểm soát". Tuy nhiên, số ca mắc mới của ổ dịch tại Thanh Xuân Trung tiếp tục tăng: 29 ca được ghi nhận hôm 3/9, 20 ca hôm 4/9, 21 ca hôm 5/9, 26 ca ngày 6/9.
Trao đổi với VnExpress sáng 6/9, phó giáo sư Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định dịch ở Hà Nội âm ỉ trong nhiều tháng, bắt đầu từ số ca nhiễm tại Khu công nghiệp Thăng Long, liên quan Bắc Giang vào tháng 7; An Mỹ, Mỹ Đức, liên quan TP HCM, sau đó dai dẳng đến giữa tháng 9.
"Nguyên nhân là một số người mang virus không triệu chứng vẫn đi lại bình thường, do đó virus tiếp tục lây lan. Chỉ khi xuất hiện ca bệnh có triệu chứng, người bệnh đi khám hoặc được sàng lọc lúc đó chuỗi lây lan đã tạo thành các "chân rết" tỏa đi nhiều hướng", phó giáo sư nói.
Ông lấy ví dụ ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung chỉ phát hiện khi hai mẹ con đi khám ở Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc Phúc Trường Minh hôm 22/8. Bên cạnh đó, khu vực này có mật độ dân cao, nhà trọ san sát, chung cư lớn có diện tích nhà nhỏ và đông hộ gia đình tạo điều kiện cho virus lây lan.
Bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội nhìn nhận ổ dịch tại Thanh Xuân Trung và một số F0 cộng đồng ghi nhận từ cuối tháng 8 đến nay được phát hiện muộn, không rõ nguồn lây, vì vậy số ca mắc nhiều. Dịch bệnh đã "lây lan nội sinh", có mầm bệnh trong cộng đồng nên Hà Nội đã thực hiện ba đợt giãn cách để phát hiện sớm các F0, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn cao và khó lường, rất khó để giảm 100% F0.
"Vào thời điểm giữa và cuối năm ngoái, Hà Nội đã sạch hoàn toàn F0 ở cộng đồng. Còn năm nay không thể mong không còn ca nhiễm cộng đồng, tuy nhiên phấn đấu số F0 phải tiệm cận với 0", ông Tuấn cho biết.
Công điện số 20 của UBND TP Hà Nội ban hành tối 6/9 đặt ra mục tiêu trước ngày 15/9 kiểm soát tình hình dịch bệnh để thủ đô vào "nhóm kiểm soát tốt dịch bệnh" theo tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế
Theo đó, bắt đầu từ 6/9, Hà Nội thực hiện giãn cách theo vùng đỏ, xanh và vàng, trong đó vùng đỏ áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, vùng vàng và xanh áp dụng theo Chỉ thị 15. Thành phố sẽ áp dụng nhiều biện pháp để thu hẹp dần vùng đỏ về đơn vị các cụm dâm cư, phường, từ từ nới lỏng để người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường, theo ông Khổng Minh Tuấn.
Bên cạnh giãn cách, Hà Nội áp dụng xét nghiệm để phát hiện F0 và đẩy mạnh tiêm chủng chống Covid-19. Thành phố sẽ xét nghiệm diện rộng toàn bộ dân cư, hoàn thành tiêm liều một vaccine phòng Covid-19 cho người dân từ 18 tuổi trở lên trước 15/9. Hiện Hà Nội chưa thông tin cụ thể về kế hoạch xét nghiệm này.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế, Hà Nội đã ký hợp đồng với các bệnh viện công lập, ngoài công lập về xét nghiệm, nâng công suất xét nghiệm lên 200.000 mẫu một ngày. Từ đầu tháng 8, tất cả khu vực phong tỏa được xét nghiệm 2-3 ngày một lần, khu vực nguy cơ cao 5-7 ngày một lần. Ngoài ra, Hà Nội xét nghiệm ở những khu vực tiếp giáp với khu vực nguy cơ cao, phong tỏa, đông dân cư, khu tập thể cũ, chật hẹp...; xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ như: shipper, lái xe công nghệ, người tiếp xúc với nhiều người, người bán hàng ở chợ, siêu thị...
Trước đó, Hà Nội đã thực hiện đợt xét nghiệm diện rộng trọng điểm từ ngày 1/9, số lượng một triệu mẫu. Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật, đến 18h ngày 6/9, thành phố đã xét nghiệm 759.945 mẫu, trong đó 299.129 mẫu âm tính và ba mẫu dương tính, số còn lại chưa có kết quả. Các mẫu dương tính đều của người sống ở khu vực nguy cơ cao gồm Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì; Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân; Quang Trung, Hà Đông.
Về tiêm chủng vaccine, đến ngày 5/9, Hà Nội đã tiêm được tổng cộng trên 2,3 triệu liều, trong đó hơn 2 triệu liều một và trên 200.000 liều hai. Số người được tiêm bằng 24,97% dân số và bằng 33,98% người dân trong độ tuổi tiêm chủng.
Ông Vũ Cao Cương, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết tốc độ tiêm tại Hà Nội phụ thuộc vào nguồn vaccine do Bộ Y tế phân bổ, đồng thời phải làm theo kế hoạch bài bản, tiêm nhanh và tiêm đúng đối tượng, phù hợp với lượng vaccine được cấp. Thời gian tới Sở Y tế phấn đấu tiêm chủng đạt 150.000 mũi/ngày, tiêm vaccine nhanh nhất, an toàn và sớm nhất cho người dân.
Theo phó giáo sư Nga, tiêm vaccine là biện pháp quan trọng và cấp thiết hơn cả. "Đây là giải pháp để giảm được nguy cơ tử vong, giảm gánh nặng y tế, bớt đi những hoang mang trong xã hội", ông nói.
Ông Nga cho rằng Hà Nội cần đẩy nhanh tốc độ phủ vaccine để chủ động miễn dịch cộng đồng, trong đó, cần tiêm sớm cho nhóm người cao tuổi, người có bệnh nền, tránh thận trọng quá khi tiêm, bỏ một số thủ tục gây chậm trễ. Với người đã tiêm 1 mũi, cần đẩy nhanh lịch tiêm mũi 2, như là một "hộ chiếu vaccine" để sớm trước khi đạt tiêm chủng toàn dân. Nhóm đã hoàn thành xong hai mũi tiêm vaccine, tuân thủ 5K có thể đi làm/buôn bán/học tập trở lại.
"Người đã tiêm đủ hai mũi vaccine có nguy cơ mắc Covid-19 thấp hơn nhiều lần so với người chưa tiêm, nếu có mắc thì tải lượng virus cũng thấp hơn và tình trạng lâm sàng cũng nhẹ hơn, nguy cơ làm lây lan cho người khác cũng thấp hơn", chuyên gia giải thích.
Phó giáo sư Nga cũng đề xuất Hà Nội chuẩn bị sẵn nguồn lực như bình oxy, tập trung nguồn lực y tế cơ sở, y tế phường... Kêu gọi phân tích từ các chuyên gia dịch tễ để đánh giá nguy cơ nào cao dễ bùng phát dịch nhất để có những cảnh báo kịp thời; bảo vệ bệnh viện và nhân viên y tế trước nguy cơ dịch bệnh. Cuối cùng, thành phố nên lưu ý tới công tác truyền thông, thực hiện tốt quy tắc chống dịch.
Ông Khổng Minh Tuấn cho biết thêm sẽ đề xuất các biện pháp nhận biết những đối tượng nguy cơ để họ tự ý thức hạn chế đi lại, kiểm soát. Có như vậy, thành phố mới có thể nới lỏng giãn cách thêm để tiếp tục phát triển kinh tế.
Về điều trị, thành phố đã kích hoạt 2.000 giường bệnh cho 8 bệnh viện trực thuộc, trong đó có 500 giường bệnh cho bệnh nhân nặng, nguy kịch, 1.500 giường điều trị cho các bệnh nhân trung bình. Sở Y tế cũng đã nâng quy mô điều trị, cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân nhẹ không có triệu chứng lên 20.000 giường.
Đến 3/9, các bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 3.428 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, còn hơn 1.000 bệnh nhân nhẹ và 53 bệnh nhân nặng đang điều trị. Sở Y tế cũng phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng bài tập thể dục để hướng dẫn cho các bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ để nâng cao sức khỏe.
Chi Lê - Thùy An - Thúy Quỳnh