Hắt hơi là hành động phản xạ của cơ thể để bảo vệ đường mũi khỏi những phân tử hoặc vật thể lạ, bằng cách ép và đẩy không khí thoát ra từ phổi với vận tốc rất lớn khoảng 4,5 m/s, theo Live Science. Khi bị kích thích, trung tâm điều khiển hắt hơi ở thân não ra lệnh co thắt các cơ từ thực quản đến cơ vòng, trong đó bao gồm cả cơ điều khiển mí mắt. Thậm chí một số người còn chảy nước mắt khi hắt hơi.
"Đến nay giới khoa học không hoàn toàn hiểu rõ lý do tại sao mọi người thường nhắm mắt khi hắt hơi, nhưng dường như nó đóng vai trò bảo vệ. Bằng cách tự động đóng mí mắt, chúng ta sẽ ngăn chặn các phần tử lạ bị trục xuất khỏi đường hô hấp khi hắt hơi xâm nhập và gây khó chịu cho mắt", Huston, chuyên gia về dị ứng tại bệnh viện Houston Methodist, Mỹ, cho biết.
Dù gặp khó khăn, những mọi người vẫn có thể giữ cho mắt mở trong khi hắt hơi mà không phải lo lắng nhãn cầu mắt lồi ra giống như một số lời đồn. Năm 1882, New York Times đưa tin một người phụ nữ bị bật nhãn cầu ra khỏi hốc mắt sau khi hắt hơi quá mạnh. Điều này hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
"Có rất ít hoặc gần như không có bằng chứng về những sự việc như vậy. Áp lực tạo ra khi hắt hơi rất khó để làm nhãn cầu bật ra, kể cả khi mở mắt", Huston nói.
Thay vào đó, một cú hắt hơi quá mạnh sẽ làm tăng áp lực trong mạch máu, chứ không phải trong mắt hoặc các cơ xung quanh mắt. Việc tăng áp lực này có thể dẫn đến việc vỡ mao mạch (các mạch máu nhỏ), điều mà chúng ta thường quan sát thấy trong nhãn cầu mắt hoặc trên mặt.
"Ví dụ trong lúc sinh con, tình trạng người mẹ căng thẳng quá mức khi rặn đẻ khiến một số mạch máu bị xuất huyết, làm cho đôi mắt hoặc khuôn mặt xuất hiện màu đỏ hoặc thâm tím rõ rệt", Huston nói.
Lê Hùng