Các nhà khoa học tại Viện Francis Crick, Anh, phát hiện đồ uống có cồn như rượu kích hoạt một loại protein trong não liên quan đến sự thèm ăn, theo Science Alert. Do đó, chúng ta sẽ có cảm giác đói sau khi uống nhiều rượu. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications hôm 10/1.
Nhóm nghiên cứu tiêm cồn (ethanol) vào dạ dày những con chuột một lần mỗi ngày, trong vòng ba ngày. Liều lượng tiêm mỗi ngày tương đương hai chai rượu vang hoặc 10 cốc bia nếu chuột là con người. Sau ba ngày, cả chuột đực và chuột cái tham gia thí nghiệm đều ăn nhiều hơn khoảng 25% so với nhóm chuột không bị tiêm cồn. Chúng ăn thêm nhiều nhất vào ngày thứ hai, dù các nhà khoa học không chắc chắn lý do tại sao.
Ngoài việc đo khối lượng thực phẩm tiêu thụ, các nhà nghiên cứu xem xét hoạt động của những tế bào thần kinh protein liên quan đến Agouti (AgRP) trong não chuột. AgRP là một loại protein ảnh hưởng đến chu kỳ đi kiếm ăn của chuột. Khi protein này được kích hoạt, chuột sẽ đi ăn và protein này ngừng hoạt động, chuột có xu hướng ngừng ăn.
Các nhà khoa học phát hiện có hoạt động điện ở tế bào thần kinh AgRP nếu chuột thí nghiệm được cho "uống rượu". Khi họ ức chế hoạt động của AgRP, lượng ethanol đưa vào cơ thể chuột không còn là yếu tố quan trọng quyết định những động vật gặm nhấm này ăn bao nhiêu.
Quá trình tương tự cũng có thể xảy ra ở người, do chúng ta kiểm soát cảm giác đói bằng AgRP trong não. "Nếu bạn uống nhiều rượu, nó sẽ tác động lên bộ não và khiến bạn ăn nhiều hơn", Sarah Cains, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Lê Hùng