Theo BS CKI Kim Thành Tri (Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), một số người thức dậy cùng cơn đau lưng nhẹ (chỉ vài phút) nhưng số khác phải bất động vài giờ, cơn đau mới qua đi. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng đau lưng mỗi sáng thức dậy, có thể là tư thế ngủ chưa đúng, do nệm cũ, tập luyện quá sức... hoặc là triệu chứng của các bệnh lý xương khớp.
Tư thế ngủ sai cách
Bác sĩ Tri cho biết, thói quen nằm sấp, nằm nghiêng co chân hay quay ngang quay dọc... khiến phần cổ, cột sống lưng giữa và cột sống thắt lưng không thẳng hàng, tăng áp lực cho phần lưng. Áp lực này sẽ ảnh hưởng đĩa đệm và dây thần kinh, khiến lưng đau mỏi mỗi khi thức dậy.
Nếu xác định bản thân đang ngủ sai tư thế, bạn nên tập thói quen ngủ ở tư thế nằm ngửa để phần đầu, cổ, lưng và chân cùng nằm trên một đường thẳng. Tư thế này vừa hạn chế áp lực cho cột sống, giảm đau sau khi ngủ dậy, vừa giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Bác sĩ Tri chia sẻ thêm, trong trường hợp không thể thay đổi được tư thế ngủ, bạn có thể đặt gối xung quanh cơ thể để sống lưng được hỗ trợ tốt hơn. Nếu nằm ngủ nghiêng, hãy đặt một chiếc gối giữa hai chân để cân bằng phần hông và cột sống. Còn nếu nằm sấp khi ngủ, bạn hãy kê một chiếc gối mỏng bên dưới bụng để giảm độ cong ở thắt lưng.
Nệm ngủ không còn phù hợp
Theo bác sĩ Tri, khi ngủ trên tấm nệm quá mềm, không nâng đỡ được trọng lượng và hỗ trợ hình dạng cơ thể sẽ làm cho xương sống bị võm xuống (hình chữ C) gây đau mỏi lưng. Ngược lại, nằm trên tấm nệm quá cứng suốt 6-8 giờ cũng sẽ gây áp lực lên tủy sống, khiến nhiều người thức dậy cảm thấy cơn đau lưng ê ẩm. Ngoài ra, những nệm đã dùng trên 10 năm, độ đàn hồi, khả năng nâng đỡ không còn đảm bảo sẽ khiến cột sống không được giữ thẳng mà bị chùng xuống nên cũng rất dễ gây đau lưng.
Nếu chiếc nệm trong nhà đã dùng lâu năm hoặc không còn đảm bảo chất lượng, bạn nên nghĩ đến việc thay chúng. Khi mua nệm mới, bạn chú ý lựa chọn loại tốt, có độ căng trung bình, không quá cứng cũng không quá mềm để có thể đem đến cảm giác dễ chịu.
Để kiểm tra độ căng hợp lý của nệm, bạn nằm duỗi thẳng lưng trong trạng thái thư giãn nhất. Nếu khoảng cách giữa phần eo và nệm tạo thành lỗ hổng lớn thì nệm quá cứng, còn nếu nệm lún xuống tầm 10 cm là quá mềm.
Tập luyện quá sức hoặc làm việc quá nặng
Tham gia các hoạt động thể thao mạnh, cường độ cao, làm việc quá sức hay khuân vác đồ nặng... đều có thể dẫn đến đau lưng và cứng khớp vào buổi sáng. Khi luyện tập thể dục thể thao, bạn cần chú ý lựa chọn những bài tập phù hợp, không tập quá sức chịu đựng của cơ thể.
Người bị đau lưng nên hạn chế khuân vác, nâng đỡ đồ vật nặng và giữ tư thế đúng khi làm việc (ngồi thẳng lưng, đứng lên đi lại sau mỗi 30 phút).
Bật dậy quá nhanh khi thức dậy
Bác sĩ Tri cũng lưu ý việc bật dậy quá nhanh hoặc vươn người về phía trước quá xa khi ra khỏi giường có thể gây căng thẳng, khiến lưng bị đau. Để tránh trường hợp này, bạn cần đánh thức cơ thể sau giấc ngủ dài bằng động tác kéo giãn cơ khớp nhẹ nhàng.
Đầu tiên, kéo đầu gối từ từ vào bên trong ngực để kéo căng lưng dưới. Tiếp đó, duỗi hai tay qua đầu và vươn chân theo hướng ngược lại. Sau khi khởi động xương khớp, bạn nằm nghiêng và dùng cánh tay đẩy cơ thể ngồi lên từ từ. Từ vị trí này, di chuyển đến mép giường và đứng dậy bằng lực ở chân chứ không dùng lưng.
Triệu chứng cảnh báo bệnh xương khớp nguy hiểm
Theo bác sĩ Tri, ngoài các yếu tố liên quan đến thói quen ngủ, vận động, chứng đau lưng kéo dài còn có thể là tín hiệu cảnh báo các bệnh lý xương khớp nguy hiểm cần lưu ý.
Thoái hóa cột sống: Quá trình thoái hóa khởi phát viêm, ăn mòn dần sụn khớp và xương dưới sụn, phá vỡ cấu trúc cột sống, gia tăng áp lực tủy sống và các rễ thần kinh dẫn đến tình trạng đau lưng triền miên.
Thoát vị đĩa đệm: Đĩa đệm nằm giữa các đốt sống lưng bị thoát vị (hiện tượng nhân nhầy tràn ra ngoài bao xơ, chèn ép lên tủy sống và dây thần kinh) gây ra những cơn đau lưng dữ dội và thường trở nên nặng hơn vào buổi sáng.
Đau cơ xơ hóa: Đau cơ xơ hóa là chứng đau mạn tính ở hệ thống cơ, gân và dây chằng trên khắp cơ thể, bao gồm cả vùng lưng.
Trong trường hợp nghi ngờ bản thân mắc bệnh khớp, người bệnh nên đến các chuyên khoa xương khớp để được bác sĩ thăm khám, xác định đúng nguyên nhân và có giải pháp điều trị phù hợp.
Song song với quá trình thăm khám, thay đổi tư thế ngủ, vận động điều độ, người bệnh cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống khoa học và tăng cường dưỡng chất chuyên biệt cho xương khớp như Eggshell Membrane, Collagen Type 2 không biến tính, Collagen Peptide, Turmeric Root, Chondroitin Sulfate... Các tinh chất này có khả năng điều hòa miễn dịch, giảm viêm, giảm đau lưng khi có yếu tố bệnh lý tác động.
Ngọc An