Người gửi: Phạm Tân
Gửi tới: Ban Văn hoá
Tiêu đề: Cánh Đồng Bất Tận - Thiếu vốn sống, giàu trí tưởng tượng bạt mạng
Ngọc Tư - Thiếu vốn sống, giàu trí tưởng tượng bạt mạng.
Quê tôi ở Bạc Liêu, cách quê của Ngọc Tư không xa lắm. Ngay từ nhỏ tôi đã gắn bó với đồng ruộng, kênh rạch, nơi cho gia đình tôi lúa gạo và tôm cá. Tôi có nhiều bạn, phần lớn họ làm ruộng và cha mẹ họ cũng là nông dân gốc. Mỗi khi mùa về, cánh đồng quê tôi lại tấp nập như hội. Đây đó trên đồng, lúc nào cũng âm vang tiếng gặt hái, tiếng máy tuốt lúa. Những chiếc xuồng ba lá đua nhau đẩy lúa về, thâu đêm suốt sáng. Những ngày mùa như thế, tôi cùng bạn bè thường rủ nhau ra ruộng bắt cá, nếu không thì cũng phải phụ giúp gia đình việc gặt hái hoặc đẩy lúa giúp nhà ai đó. Cuộc sống thật sống động mà êm đềm. Có những ngày mê bắt cá, đến tận đêm chúng tôi mới chịu mò về nhà. Cá bắt được thật nhiều, phần thì đem làm khô, phần thì làm mắm. Những ngày này đi trên đồng, nhiều khi còn lượm được cả trứng vịt hay vịt lạc từ những đàn vịt thả trên đồng. Sau khi gặt hái xong, một thời gian trời nắng làm đất khô nứt là đến mùa chúng tôi đi đào chuột hay bắt ếch hang. Chán chê mê mỏi với những thứ kiếm được vào mùa khô thì mùa mưa lại tới, đem theo nào là cua, ốc, rắn, bọ tọc, ếch... tất cả đều biến thành thực phẩm, thành quần áo, thành giấy mực cho chúng tôi trưởng thành lên mỗi ngày. Người nông dân quê tôi sống hiền hoà thân ái. Tình yêu đôi lứa ở quê tôi cũng bắt đầu từ lao động sản xuất, từ câu hò điệu lý mà cha ông truyền lại, chứ không chỉ "lật cạch người phụ nữ ra rồi thoả mãn" mà sinh ra chúng tôi được.
Thỉnh thoảng tôi cũng có nghe đây đó người ta nói chuyện về ăn trộm, chuyện đánh nhau và cả chuyện hiếp dâm bị pháp luật trừng trị. Đúng là trong cái êm đềm của vùng đồng lúa quê tôi, đôi khi cũng vẫn xảy ra những điều mà pháp luật phải xử lý. Nhưng đến khi đọc truyện của Ngọc Tư thì tôi không thể nào tưởng tượng ra nổi, không thể nào hình dung ra nổi. Cũng là những cánh đồng lúa như nơi tôi sinh sống, mà ở xứ Đầm Dơi nơi Ngọc Tư ở lại hình thành nên tâm hồn Ngọc Tư khác biệt đến vậy. Không hiểu sao nơi đó thật tối tăm và nhớp nhúa. Có cảm giác như ở đó chỉ toàn gái điếm và những người nông dân, lao động kiếm tiền để lo cho chuyện tình dục. Sao lại có kẻ lấy keo dán sắt để đổ vào chỗ kín của người phụ nữ như vậy? Lũ người trong truyện của Ngọc Tư thật man rợ mà trí tưởng tượng bình thường khó có thể hình dung nổi.
Những người nông dân của miền Tây hiền lành chất phác, yêu đời, yêu cuộc sống, thân thiện khi bước vào trong "Cánh đồng bất tận" của Ngọc Tư lại trở thành tầm thường, rác rưởi làm sao. Đâu đâu cũng chỉ toàn chuyện ngoại tình, đĩ điếm. Ngay cả đến "cô gái sắp về nhà chồng, củi to củi nhỏ chất thành giàn ngoài chái" cũng ham mê tình dục đến mức muốn bỏ theo gã chăn vịt sung mãn. Phải chăng làng quê Nam bộ là thế?
Tôi cũng nghĩ có thể mình có cái nhìn quá phiến diện, chỉ mong thấy những thứ màu hồng. Ví như truyện Chí Phèo hay truyện Chị Dậu ngày xưa có màu hồng tí nào đâu mà vẫn đầy ắp tính nhân văn, đầy ắp tính hiện thực. Phải chăng Cánh đồng bất tận cũng là như thế. Nhưng tôi tìm mãi cũng không thấy được nét tương đồng nào. Truyện Chí Phèo, Chị Dậu các tác giả đã mô tả hết sức chân thực cái hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ. Ví như lúc đó mà Nam Cao viết rằng: Bá Kiến và những người giàu có như Bá Kiến luôn luôn đi tìm người nghèo để cho tiền, để cho rượu uống, chăm lo cho cuộc sống của họ, thì hẳn Nam Cao đã là kẻ xuyên tạc hiện thực rồi. Giá như Ngô Tất Tố viết rằng: Nghị Quế và những địa chủ phong kiến rất thương dân, lo cho người dân đói khổ và tìm cách giúp đỡ họ, thì hẳn ông cũng sẽ không thể sống nổi cùng cái sự xuyên tạc đó.
Nhưng ngày nay tôi lại thấy sự xuyên tạc kiểu mà tôi đã nêu, trong truyện của Ngọc Tư. Nói là truyện thực ư, chuyện thực mà lại biến cái đơn lẻ, cái ít ỏi nhuốm lên cho cả vùng đất, cả miền đất như thế ư.
Hôm nay tôi đọc được bài của nhà văn Hữu Thỉnh. Ông có cho biết là "Trong văn học, quyền sáng tạo, trí tưởng tượng của nhà văn phải được tôn trọng một cách tối đa". Tôi rất tán đồng ý kiến của ông. Và ông còn nói thêm: "Không thể đem tác phẩm mà đối chiếu với hiện thực được. Chúng ta thậm chí đã làm quen với văn học viễn tưởng, giả tưởng từ lâu rồi cơ mà". Tôi cũng rất tâm đắc ý này, và ông Hữu Thỉnh nói thêm "Vấn đề tác phẩm ấy đem đến cho bạn đọc cái gì?". Câu này làm cho tôi cũng hoan nghênh, nhưng cũng băn khoăn.
Tôi băn khoăn với những câu hỏi của chính mình và tự tìm câu trả lời cho mình. Đúng là truyện viễn tưởng chúng ta đã tiếp cận, hầu như tất cả đều là những truyện thể hiện khao khát vươn lên của con người, khao khát làm được những điều phi thường không tưởng. Và có nhiều truyện là viễn tưởng ở thời điểm này thì lại là hiện thực ở thời gian sau đó, như là truyện Hai vạn dăm dưới đáy biển của Vecnơ chẳng hạn. Tôi nghĩ một cách thô thiển rằng liệu có thể truyện "viễn tưởng" của Ngọc Tư có phải là tương lai của miền đất Nam Bộ hay không. Nhưng chắc đó chỉ là suy nghĩ "cùn" của tôi thôi. Đơn giản vì truyện của Ngọc Tư không có tính viễn tưởng nào cả. Tôi có xem trong từ điển Tiếng Việt thì từ "viễn tưởng" có nghĩa là: Thuộc về một tương lai xa xôi nhờ tưởng tượng (Đại từ điển Tiếng Việt - Nguyễn Như Ý). Nếu từ điển đó đúng, không có quyển từ điển nào có nêu nghĩa khác thì hẳn truyện của Ngọc Tư tôi mong không phải là truyện viễn tưởng! Vậy truyện của Ngọc Tư đem lại cho bạn đọc cái gì, không là viễn tưởng, không là hiện thực, hay gọi là truyện không có thực, với cái nghĩa viết mà không viết, tức không viết cái gì cả. Nhưng rõ ràng tôi đã đọc thấy chữ, tôi đã hình dung ra được bối cảnh, hình dung ra được không gian, hình dung ra được con người trong những dòng chữ trên báo. Vậy thì truyện ấy là có thực, vậy thì những điều đó phải đang diễn ra ở đâu đó quanh đây. Nhưng nó diễn ra sao tôi không thấy, tôi chỉ thấy những trường hợp đơn lẻ và luôn thấy có pháp luật che chở cho mình. Tôi cứ luẩn quẩn với những suy nghĩ như thế đến đau cả đầu! Ngọc Tư ơi cô đã viết cho tôi đọc cái thể loại truyện gì đây?
Với cá nhân mình xét lại, tôi thấy rằng trước đây Ngọc Tư viết truyện coi cũng được. Vì lúc đó Ngọc Tư chưa xài đến tư duy nhiều lắm để viết về Nam Bộ, mà chỉ đơn thuần chép lại chính cuộc sống quanh mình sao cho câu cú gọn ghẽ là được. Nhưng từ khi làm mới mình, tức là từ khi có thêm chút tư duy nhờ tích luỹ được thì không sao chép thuần tuý nữa mà muốn thêm ý kiến chủ quan của mình vào đó. Chính vì lẽ đó mà tôi thấy truyện của Ngọc Tư dở, dở tệ đến không chấp nhận được. Bởi lẽ tư duy chưa tới nên nhận định bị lệch lạc, lệch lạc nhưng để thành truyện thành ra xuyên tạc.
Dẫu sao vẫn có rất nhiều ý kiến cổ xuý. Với tôi mong rằng nếu truyện Cánh đồng bất tận của Ngọc Tư còn tiếp tục, thì trên con thuyền đi chăn vịt của ba cha con trong truyện, họ sẽ không đi qua cánh đồng Bạc Liêu quê tôi, để tôi khỏi thấy một ngày nào đó thòng ra trong Cánh đồng bất tận thêm cảnh quê tôi đầy đĩ điếm và những tên hiếp dâm. Người dân sống nhu nhược và không có luật pháp nào cả, chỉ có bọn cướp hoành hành. Và tôi cũng sợ rằng khi đó tôi cũng trở thành một nhân vật nào đó trong truyện.
Lời kết: Nếu như Ngọc Tư có thể dẫn chứng ra tất cả những điều trong truyện Ngọc Tư đã trải nghiệm qua, hay ít ra nó xảy ra ở đâu đó thì tôi cũng dám đứng ra bảo vệ cho Ngọc Tư lắm. Bảo vệ vì đó là sự thật. Nhưng đó chỉ là do trí tưởng tượng thì hẳn truyện của Ngọc Tư là điều sỉ nhục đối với quê hương. Chẳng những sỉ nhục quê hương Đầm Dơi, nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng thân thể và tâm hồn của Ngọc Tư, mà còn là điều sỉ nhục cho cả miền đất Nam Bộ.