Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn. |
- Dường như người viết trẻ đang cày trên những luống đất có sẵn bởi cuộc sống quá ít vấn đề cho họ. Anh nghĩ sao về nhận xét này?
- Quả là không còn đất để khai hoang nên hiện thực cuộc sống đòi hỏi các nhà văn trẻ phải có cách khai thác tinh tế, độc đáo hơn. Đọc sản phẩm của các bạn viết trẻ, tôi nhận thấy tình yêu trong các trang viết như một thứ độc tài trong lĩnh vực tình cảm. Nhìn rộng ra từ cái tâm điểm ấy, để thấy cái đức, cái nghĩa trong chữ tình thì trang viết mới có độ dày. Gần đây, các nhà văn trẻ hay đưa ra các tầm triết lý, nhưng triết lý của họ không giúp nâng tầm tác phẩm bởi ngay cái logic đời sống họ còn chưa nắm vững. Tôi tin, những cây bút ba chìm bảy nổi viết văn sẽ sắc sảo hấp dẫn hơn những người hưởng quá nhiều ân huệ của cuộc sống.
- Đâu là sự khác biệt giữa lớp nhà văn thế hệ trước và những người trẻ?
- Lớp chúng tôi cũng phải đối mặt với những vấn đề mà các cây bút trẻ hiện thời đang gặp. Thực tế là khi cùng lứa tuổi, chúng ta có chung bức xúc tâm lý, có chung nỗi buồn, rung động trước ngưỡng cửa cuộc đời. Nhưng thời chúng tôi, vì lý tưởng lớn, chúng tôi biết kiềm chế những cảm xúc ấy. Khi cái tôi to quá thì sẽ khó mà nạp vào những gì từ bên ngoài. Người cầm bút nên bắt rễ vào chính cái xã hội mình đang sống, khi ấy, người viết mới đạt chữ tâm và tác phẩm mới có tầm. Thêm nữa, cũng đừng hốt hoảng trước phê bình. Phê bình chỉ có tác dụng uốn nắn chứ không đào tạo nên nhà văn.
- Liệu sức nặng tinh thần chiến đấu trong những trang viết của anh trước kia như "Những khoảng cách còn lại", "Cù lao Chàm", "Đứng trước biển" hay "Yêu như là sống" có suy suyển khi anh đầu tư nhiều vào mảng kịch bản phim truyện không?
- Hiện thực cuộc sống thường đòi hỏi nhà văn phải có dũng khí. Hầu như mọi tác phẩm của tôi đều đụng chạm đến những vấn đề xã hội gai góc. Các nhà báo nêu lên sự kiện. Nhưng nhà văn mới là người mổ xẻ ở góc độ sâu kín nhất, thậm chí phải bóc đi cái vỏ thiện cảm hòa hoãn. Tôi viết kịch bản phim cũng với tinh thần này. Với Lưới trời, tôi phân tích tận gốc rễ vấn đề của các vụ án kinh tế lớn. Sự thật thì nhiều người biết, nhưng không phải ai cũng dám nói ra, dám xây dựng một nhân vật như Hai Phán.
Tôi không thông minh hơn các nhà văn khác. Nhưng tôi may mắn được làm việc với các hãng phim, đạo diễn có dũng khí đụng chạm đến các vấn đề xã hội. Nhưng từ khi tôi còn là một anh công nhân 24 tuổi sửa ôtô đi khắp các nông trường cho đến nay là một nhà văn chuyên nghiệp, hơn 30 năm qua, không bao giờ tôi hối hận về tác phẩm của mình.
- Đâu là nguyên nhân chính khiến anh chuyên tâm vào mảng kịch bản phim truyện và truyền hình nhiều tập thời gian gần đây?
- Công việc viết lách tiêu hao năng lực kinh khủng. Một đời viết mà được chừng 10 tiểu thuyết đã là khá. Nhưng viết được 100 cái truyện ngắn ra hồn thì lại khó khăn hơn gấp nhiều lần. Vì để nghĩ ra 100 motif đòi hỏi một vốn sống rất lớn. Mặt khác, tôi cũng rất thực tế. Một tiểu thuyết 300 trang hiện nay chỉ có thể in với số lượng 1.000 cuốn, nhuận bút 4 triệu đồng, viết và hoàn chỉnh cho tới khi tạm ưng ý hết gần một năm. Trong khi đó, mỗi tập kịch bản phim truyền hình trong bộ phim 30 tập như Hướng nghiệp thì tôi được trả 5 triệu đồng. Khi tính tới giá trị đóng góp của tác phẩm với xã hội, một bộ phim 1 triệu người xem hiệu quả hơn hẳn một quyển tiểu thuyết chỉ có 1.000 người đọc.
- Anh vừa đụng chạm đến vấn đề tiền bạc. Vậy anh có tự hào là nhà văn sống được bằng nghề không?
- Ngay những nhà văn hàng đầu Trung Quốc hiện nay cũng tuyên bố: "Nói nhà văn Trung Quốc không biết đến tiền là hoàn toàn sai". Tôi không hề coi thường đồng tiền. Từng có lúc xã hội đánh đồng nhà văn với nhà nghèo, trong sự xót thương có cả sự coi thường. Tôi đã xác định phải sống được bằng ngòi bút. Đầu những năm 90, làm trưởng phòng biên tập hãng phim, tôi xin ra khỏi biên chế. Nhiều người nói tôi bất mãn. Thực tế, tôi chỉ muốn tự do, có nhiều thời gian để viết. Và tôi đã chứng minh là tôi sống được bằng ngòi bút.
- Theo anh, cần có những điều kiện gì để bắt tay vào nghề viết?
- Nghề văn dựa trên sự tìm tòi, từ các bức xúc của bản thân mà nên tác phẩm. Thật vô lý khi than vãn là không có điều kiện làm việc, đợi phải có tài trợ, có đặt hàng mới cầm được bút. Nguyên Hồng viết Bỉ vỏ khi chỉ có nắm xôi chim chim cầm hơi mỗi ngày. Dostoievski viết Dưới hầm xay lúa trong điều kiện thiếu dưỡng khí. Trước mọi sóng gió cuộc đời, nhà văn vẫn tự chủ làm việc. Nhiều bạn bè bảo: "Ông Tuấn chỉ ở nhà viết kiếm tiền, không đi chơi, đi nhậu". Tôi thấy phần đời đã sống qua thật phong phú, xúc cảm mạnh mẽ, đã thấm đủ, đã đạt mức nhập thiền. Bây giờ không chịu viết thì còn muốn gì?
- Dự định sắp tới của anh?
- Tiền bạc tôi có đủ từ việc viết kịch bản. Tên tuổi thì đã đến lúc cần phải ít lộ diện hơn. Viết tiểu thuyết vẫn là sự thôi thúc lớn từ bên trong. Tôi đang viết Mùi rượu, Đời không đen tối, Lòng nhân từ tội lỗi... với niềm hứng khởi mãnh liệt.
(Theo Sinh Viên)