![]() |
Nhà văn Nguyễn Khải. |
- Nếu nhìn lại giễu cợt một chút, ông thấy trong mình có mấy ông Nguyễn Khải: một ông "tu sĩ" nửa vời, một nhà triết lý, một ông "đồng cốt" hay một nhà khoa học chuyên đeo kính lúp soi vào thói hư tật xấu, sự đáng thương lẫn đáng yêu của người đời?
- Cuộc sống nghề nghiệp của tôi không phức tạp đến thế đâu, nó đơn giản hơn nhiều. Đại thể lúc còn trẻ thì nghĩ rằng mình có thể thay đổi được nhiều thứ, vì mọi sự ở đời đều có thể hiểu, đều có thể can thiệp để thay đổi theo ý muốn của mình. Lời văn hoá ra kiêu ngạo, giáo huấn. Về già mới nhận ra cái thế giới bao quanh phong phú hơn cái biết của mình rất nhiều, nó là vô cùng, còn cái biết của mình rất hữu hạn, tự mình cũng còn chưa hiểu hết mình kia mà. Lời văn trở nên khiêm nhường, rộng mở, chấp nhận và mất dần tính khẳng định độc đoán. Sự thay đổi ở tôi trong bấy nhiêu năm thật ra là như thế.
- Người ta thường nhớ đến Nguyễn Khải như một nhà văn có cá tính hơn là nhà văn của những nhân vật văn học. Ông nghĩ thế nào?
- Tôi không bao giờ tin có một nhân vật văn học hoàn toàn khách quan như chính nó ở ngoài đời. Chí Phèo là người nông dân của Nam Cao, chị Dậu là người nông dân của Ngô Tất Tố. Có người Nga của Dostoievsky, người Nga của Tolstoi và người Nga của Tchekhov. Vẻ đẹp của nhân vật hoàn toàn phụ thuộc vào cái thế giới tự tưởng tượng của mỗi tác giả. Thiếu cái vùng sáng hư ảo ấy thì bạn đọc sẽ phải đối mặt với cái nhạt nhẽo, cái tầm thường của nhiều gương mặt thường ngày khiến ta đã nhiều lúc phải trốn chạy vào văn chương.
- Từng chịu ảnh hưởng của Milan Kundera và Marcel Proust, hai nhà văn đương đại lớn của thế giới, nhưng trong những tác phẩm gần đây, ông đã tự giải thoát mình khỏi họ. Tại sao thế?
- Chả có nhà văn trong nước, ngoài nước nào buộc được tôi phải từ bỏ một cái gì vốn là của chính tôi (dầu nó chả có giá trị mấy) để trở thành một bản nháp tồi của họ. Họ là họ, tôi là tôi. Trong 53 năm làm nghề, do sự phát triển tự thân, tôi đã thay đổi ba lần những quan niệm về tiểu thuyết, những đề tài và nhân vật cần phải quan tâm, nghệ thuật kết cấu và ngôn từ. Lần thứ nhất vào năm 1957 để có được cuốn tiểu thuyết Xung đột, lần thứ hai vào năm 1978 thì viết được Cha và con và..., Gặp gỡ cuối năm, mở đầu cho năm cuốn tiểu thuyết tiếp theo, có thể còn đọc được trong khoảng mươi năm nữa. Và lần cuối là năm 1990 với một chuỗi truyện ngắn, khoảng sáu, bảy chục truyện, viết trong 10 năm, và tuổi thọ của nó xem chừng cũng còn dài.
- Thế bước ngoặt nào khiến ông tìm về đề tài những con người tẻ nhạt, nhỏ mọn, tầm thường trong cuộc sống hàng ngày?
- Đó là vào năm tôi đã 60 tuổi. Là khi tôi ngộ ra cái dòng chảy tự nhiên của một đời người từ xưa cho tới nay, thời chiến thì đi lính; thời bình thì đi cày, đi buôn với những lo toan, buồn vui của mỗi ngày. Những danh nhân, anh hùng của mọi thời đều từ cái đám đông nhờ nhờ ấy bước vào vùng sáng của lịch sử một khi thời thế thay đổi. Tôi đã dành một nửa đời viết chỉ để quan tâm tới những số phận khác thường, những tính cách khác thường, thì thời gian còn lại tôi sẽ chỉ dành cho những con người vô danh, những con người của đám đông với những số phận rất tầm thường. Mở đầu của thời kỳ này là truyện ngắn Người của hằng ngày, Anh hùng bĩ vận, sau đó là một loạt truyện ngắn về cái đời thường ở Hà Nội Hà Nội trong mắt tôi. Cái mạch văn này kéo dài 10 năm với 60, 70 truyện ngắn, quyến rũ thêm nhiều bạn đọc mới. Bạn trong nghề nhận xét: về già Nguyễn Khải viết có duyên hơn hồi trẻ.
- Vì sao trong tác phẩm Nguyễn Khải thiếu hơi hướng tình yêu, vấn đề dục tính?
- Bởi vậy văn tôi không có sức quyến rũ đến mê say như trong văn Nguyễn Huy Thiệp, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh... Văn chương mà thiếu cái hương vị nồng nàn của da thịt thì nhạt bằng nước ốc. Biết vậy mà đành chịu vì không làm hàng giả được. Có tình yêu giả ngoài đời nhưng không có tình yêu giả trong văn chương.
- Quan niệm của ông về văn chương?
- Chức năng đầu tiên của văn chương là phải quyến rũ được bạn đọc ngay từ lần gặp gỡ đầu. Một vẻ đẹp quen thuộc thì dễ được mọi người công nhận ngay lập tức. Còn một vẻ đẹp hơi lạ, hơi khác thường thì chỉ có một số người biết thưởng thức mà thôi. Trong cuộc tranh cãi về nghệ thuật, theo tôi, chả có ai thắng ai thua cả. Nếu những tiêu chuẩn mới về cái đẹp được khẳng định, trở thành mẫu mực mới thì mọi bên đều thắng.
- "Nghề viết đòi hỏi những tín đồ sống theo nguyên tắc khác: Thà bị xúc phạm đến 9 lần để khỏi có 1 lần xúc phạm đến nhân cách người khác"... Có phải vì quan điểm sống và sáng tác này mà ông mang tiếng là người "im lặng", người "hèn"?
- Sự nghiệp chính của một nhà văn tất nhiên là những tác phẩm nghệ thuật của anh ta, là cái phần tinh hoa của một đời viết; phần còn lại chỉ nên coi là xơ bã, hoặc lên án nó, hoặc tha thứ nó là tuỳ ở cái lượng rộng hẹp của bạn đọc hôm nay và mai sau. Tôi tự nghĩ những gì tôi đã viết với danh nghĩa là một tác phẩm nghệ thuật, đều có cốt cách riêng cả, chỉ có hay với dở chứ không có gì phải đáng xấu hổ.
Quả thật trong cuộc sống riêng tôi là một người thích làm lành chứ không thích sinh sự, với cơ quan, chi bộ cũng thế mà với bạn bè cũng thế, chỉ cốt dành ra một khoảng thời gian yên tĩnh để ngồi viết. Tôi đã được chứng kiến nhiều cuộc tranh cãi rất ồn ào, chia phe lập nhóm, hầm hè với nhau trong nhiều năm, rút lại chỉ là những chuyện hết sức tầm phào, hết sức vô bổ nhưng đã phải tiêu phí vào đó bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu thời gian quý báu của một đời người! Về già hình như tôi nhiều bạn hơn lúc còn trẻ. Vì đã biết giữ được cái chừng mực của sự từng trải, biết khiêm nhường và biết cả tha thứ. Sống thành thật với mình và với mọi người vừa có lợi cho nghề viết, lại vừa là cách sống có lý. Thì các cụ đã nói "khôn ngoan chẳng lọ thật thà" mà! Tất nhiên là cái thật thà của người biết chứ không phải cái thật thà của người ngu.
- Một câu hỏi riêng tư: Tại sao ông chọn đất Sài Gòn để sống những năm cuối đời?
- Tôi rất biết ơn TP HCM đã buộc tôi phải thay đổi một quan niệm sống, một cách sống, tức là phải biết sống tự lực bằng nghề của mình chứ không nên một đời ỷ lại nhà nước và hội nhà văn. Cũng ở thành phố này, lần đầu tiên tôi cảm nhận được đã nghèo thì vợ con, bạn bè, họ hàng đều có quyền xem thường mình, giễu cợt mình. Cho nên tôi đã quyết chí thay đổi hoàn cảnh bằng chính cái nghề viết, suốt 20 năm từ năm 50 tuổi đến 70 tuổi. Văn chương của tôi cũng từ đó mà dần dần thay đổi.
(Theo Lao Động)