- "Tiểu long nữ", cuốn tiểu thuyết vừa xuất bản của ông có tên gọi mang màu sắc kiếm hiệp nhưng nội dung lại là câu chuyện thời sự lấy đề tài từ vụ bê bối của một quan chức gần đây. Vậy ông viết cuốn sách này với mục đích gì?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: Thanh Niên. |
- Cách đây 3 năm, tôi nhận được đơn đặt hàng viết một cuốn tiểu thuyết, khai thác sự kiện bê bối đang râm ran trên báo chí. Và tôi viết rất nhanh, chỉ trong vòng 15 ngày. Nhưng bản thảo tác phẩm mãi đến giờ mới ra mắt. Tôi cũng không hiểu vì sao. Có lẽ một phần vì những người làm sách thường hay nghi ngại, cứ cái gì dính đến tôi là người ta phải để đấy, xem xét đã. Nếu ra đời đúng thời điểm, cuốn sách có lẽ đã có nhiều độc giả hơn. Nói thật, Tiểu long nữ là tác phẩm viết ra từ một câu chuyện nhảm nhí, nhằm mục đích kiếm tiền và mua vui thôi.
- "Tuổi 20 yêu dấu" và bây giờ là “Tiểu long nữ” - những cuốn tiểu thuyết không thực sự có được chiều sâu như những tác phẩm trước đây của ông. Ông nghĩ gì nếu những cuốn sách này ra đời sẽ khiến cho những người yêu mến Nguyễn Huy Thiệp thất vọng?
- Như tôi đã nói, cuốn sách viết ra chỉ nhằm mua vui và kiếm tiền. Thú thực, lúc đầu tôi cũng có chút ngượng ngùng, không định ký tên vào cuốn sách. Tôi biết, Tiểu long nữ có thể khiến nhiều người thất vọng về tôi, nhưng con người ta cũng phải có mặt này mặt nọ, không thể cứ đứng mãi trên đỉnh cao như thế được, mệt mỏi lắm. Hơn nữa, khi viết sách thị trường, không phải ai cũng dễ dàng thành công. Trong thời buổi của Internet, truyền hình, con người có rất ít thời gian dành cho sách vở như hiện nay, tôi thà viết một cuốn sách khiến độc giả phải đọc một mạch từ đầu đến cuối còn hơn là những tác phẩm nặng nề, khiến họ ê a ngày này qua tháng khác. Trong lời mở đầu cuốn Tiểu long nữ, tôi có viết: "Tiểu thuyết - sách mua vui" cần phải được các nhà văn ở ta nhận thức ra và quan niệm lại (ít nhất cũng giống như những người cổ xưa), như thế thì chữ nghĩa mới tuôn ra trên đầu ngọn bút như nước chảy được… Giới nghiên cứu lý luận văn học ở ta và các nhà phê bình văn học thuộc môn phái "hành quyết" đã đặt vào tiểu thuyết nhiều rào chắn quá, khiến cho các nhà văn thực sự muốn viết cũng không dám viết tiểu thuyết". Khi viết cuốn sách này, quan niệm của tôi về tiểu thuyết gần với Tản Đà, Lê Văn Trương, Hồ Biểu Chánh…
Trang bìa cuốn "Tiểu long nữ". |
- Ông nghĩ sao về sự tồn tại của dòng văn học thị trường?
- Không nên phân biệt văn chương đích thực và văn chương không đích thực. Không có văn chương nào là không đích thực cả. Mỗi một tác phẩm được viết ra đều có một giá trị nào đó. Vấn đề là anh có biết làm cho nó có giá trị không thôi. Không thể coi cốc sinh tố tại nhà hàng sang trọng là có giá trị còn củ khoai củ sắn bán rong ngoài kia thì không. Tất nhiên, giá trị của chúng khác nhau. Viết được một tác phẩm gây xôn xao, gây chấn động dư luận không phải là dễ. Bóng đè, Cánh đồng bất tận rồi Vết sẹo và cái đầu hói… đều là những tác phẩm tạo dư luận nhưng cái gì có giá trị, độc giả họ sẽ tự nhận ra.
- Nhiều tác phẩm văn chương ngày nay mang nhiều chất báo chí, "ăn theo" các sự kiện báo chí mà thiếu đi tính dự báo. Ông nghĩ sao?
- Tôi không rõ lắm về việc người ta cho là văn chương phải có tính này tính nọ. Ngày nay, với sự phát triển của các loại hình thông tin, các thể loại tất nhiên dễ dàng có sự giao thoa với nhau. Nhiều tác phẩm của tôi trước đây đúng là rất có tính chất đi trước, dự cảm, nhưng cũng có những tác phẩm không có đặc điểm đó.
- So với "Tướng về hưu", "Kiếm sắc", "Vàng lửa" và "Phẩm tiết"… những tác phẩm gần đây khiến người ta có cảm giác Nguyễn Huy Thiệp đã bế tắc, không còn nặng lòng với văn chương, không còn nhiệt huyết tìm tòi sáng tạo nữa. Ông muốn nói gì với độc giả?
- Tôi không bao giờ hết nặng lòng với văn chương cả và nếu bế tắc tôi đã không viết. Nhưng nghề văn là một nghề mệt nhọc. Nhà văn cũng phải có tiền để sống. Tôi tự hào vì mình là một trong số không nhiều người sống được bằng nghề. Dù so với các nhạc sĩ, họa sĩ, thu nhập của người cầm bút là rất bèo bọt, nhưng đó là phúc phận của mỗi người, biết làm sao được.
- Đánh giá của ông về các nhà văn trẻ hiện nay?
- Tôi đọc nhiều và rất khâm phục lứa nhà văn thuộc thế hệ 8X. Họ có nhiều lợi thế hơn chúng tôi nhưng cũng gặp nhiều khó khăn khi sống trong một xã hội hiện đại nhiều áp lực như ngày nay. Tôi rất cảm động trước những trang viết thể hiện cách nhìn cuộc sống và tâm tư của những tác giả như Đỗ Thanh Vân, Phạm Thị Ngọc Lương… Tuy nhiên, việc họ có đi xa hơn nữa hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong trường văn trận bút cũng có những cuộc cạnh tranh rất nghiệt ngã mà một cây bút muốn tạo lập danh tiếng của mình thì ngoài tài năng, họ còn phải trang bị cho mình những kỹ năng khác.
- Một số cây bút sau khi đã thành danh thường quay sang làm người đỡ đầu cho các tác giả trẻ. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
- Đó là một việc làm tốt và cần thiết. Nhưng không phải nhà văn nào cũng có đủ khả năng và điều kiện để làm việc đó. Nếu có thể, tôi cũng rất muốn giúp đỡ họ.
Là người tự vận động mạnh trong việc tìm kiếm cơ hội xuất bản các tác phẩm của mình trong và ngoài nước, hiện nay, tôi cũng đang liên hệ để chuyển ngữ tác phẩm của một số tác giả trẻ mà tôi cho là có triển vọng. Trước đó, tôi cũng đã cố gắng giúp đỡ những cây bút như Nguyễn Việt Hà, Đồng Đức Bốn, Nguyễn Bảo Sinh…
Hà Linh thực hiện