Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. |
- Nhiều đồng nghiệp nói rằng, trong văn chương anh rất quyết liệt, nhưng trong đời sống thì đôi khi lại rất nhũn nhặn. Anh nghĩ sao?
- Xét cho cùng, tất cả chúng ta đều rất yếu ớt... Và ở đời luôn có nhiều nghịch lý. Tác phẩm có thể thế này, thế nọ nhưng trong cuộc sống, tôi cũng là con người chừng mực chứ không quá khích. Bạn bè bảo tôi là người hiền. Là nhà văn mà sản phẩm của anh không có giá trị nhân văn thì vứt đi. Mà điều ấy phải nhuyễn từ trong cuộc sống hàng ngày, từ cách ứng xử, chứ khác đi, người đời sẽ nhận ra ngay có một sự giả mạo nào đó.
- Anh bắt đầu xuất hiện bằng chùm truyện "Những ngọn gió Hua Tát" rất ấn tượng, nhưng những truyện ngắn sau này chỉ là khai thác tiếp cái mỏ văn hóa dân gian mà anh đã thừa hưởng được ở những năm dạy học trên miền núi?
- Truyện đầu tiên Trái tim hổ, tôi viết năm 21 tuổi, năm 23-24, viết được 2 truyện tiếp theo Con thú thứ nhất và Tiệc xòe thứ nhất. Mãi về sau, độ 26-27 tuổi, tôi mới hoàn chỉnh được 10 cái truyện trong Những ngọn gió Hua Tát. Lúc đó, tôi chưa trải qua nhiều kinh nghiệm va chạm với cuộc đời, thậm chí chưa biết gì về ái tình, về sự vinh nhục, danh lợi. Thế nhưng, không hiểu sao, mình lại viết như người già vậy, rất chín... Giờ có kinh nghiệm hơn, nhưng chắc tôi viết lại không còn được cái hương vị như xưa nữa.
- Thời gian gần đây, anh hay viết những bài giới thiệu thơ. Phải chăng anh muốn chuyển nghề?
- Tôi nghĩ, nhu cầu viết về người này hay người khác, cũng như nhu cầu viết những bài tiểu luận mang tính chất phê bình - lý luận... đều là tự nhiên của người cầm bút. Nhìn rộng ra đội ngũ đương thời, phát hiện ra những cái hay và cổ vũ những cái đó thì cũng là nhu cầu bình thường của nhà văn. Và như thế mới có một không khí văn học lành mạnh. Không ai có thể sống chỉ một mình, anh phải chú ý đến người này người kia thì mới có thể viết được những tác phẩm hợp thời chứ.
(Theo An Ninh Thế Giới)