Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. |
- Ông hay nói đến sự dấn thân. Vậy sự dấn thân của ông trong văn học là gì?
- Sau khi dấn thân vào văn chương, tôi thấy rõ một điều, nhà văn là đối tượng dễ bị hiểu lầm nhất, hiểu lầm từ trong gia đình cho tới ngoài xã hội. Thậm chí có những điều nhà văn viết thì mãi những thế hệ sau người ta mới nhận ra giá trị.
- Chuyển sang tiểu thuyết, với ông cũng là sự dấn thân?
- Những nhà văn cổ điển thế giới thường khuyên các nhà văn trẻ: nên bắt đầu từ thể loại truyện ngắn. Cho đến nay, tôi đã có khoảng hơn 50 truyện ngắn, đều "đứng vững" suốt nhiều năm qua. Ở một khía cạnh nào đấy, tôi coi truyện ngắn như những tác phẩm "luyện tập". Còn tiểu thuyết đòi hỏi dụng công hơn rất nhiều. Cũng may, cuộc sống thay đổi từng ngày và đấy là thuận lợi cho người viết. Mà viết tiểu thuyết cũng không phải nhu cầu của riêng tôi.
- Thế nhưng một nhà phê bình văn học sau khi đọc Tuổi 20 yêu dấu đã nhận định: Tác phẩm là một bước lùi trong sự nghiệp của Nguyễn Huy Thiệp?
- Nói như thế vừa đúng, vừa không đúng. Nếu so với các truyện ngắn tôi đã viết thì nó đúng là... một bước lùi. Nhưng cuốn tiểu thuyết này lại mở ra một thời kỳ mới của tôi, vậy thì nó là một bước tiến. Tôi mong Tuổi 20 yêu dấu sớm được xuất bản để lắng nghe dư luận. Phải lắng nghe, mới điều chỉnh mình được.
- Là nhà văn xuất ngoại nhiều, theo ông, có khoảng cách nào giữa văn học Việt Nam và thế giới?
- Thực ra, văn chương ở đâu cũng thế thôi, có cái hay và cái dở. Nhưng riêng lĩnh vực văn học, có 2 yếu tố tạo nên khoảng cách: năng lực cá nhân và môi trường sống. Đây là điều các nhà văn Việt Nam phải vượt qua nếu muốn hội nhập với thế giới. Thế hệ chúng tôi đã gắng hết sức rồi. Giờ phải trông chờ vào thế hệ sau. Tôi thấy tiếc cho các nhà văn trẻ của chúng ta; lắm khi, người ta không chịu dấn thân, không chịu nỗ lực.
- Như vậy, có nghĩa là ông đang lo lắng về một khoảng trống?
- Không có khoảng trống nào đâu. Cuộc sống vốn như những đợt sóng bể hay những đám mây trên trời ấy. Nó luôn luôn dịch chuyển về phía trước.
(Theo Thanh Niên)