Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. |
- Ông có ý định viết tiểu thuyết hay chỉ dừng ở việc chuyển thể truyện ngắn thành kịch bản phim?
- Không thể rửa tay gác kiếm nếu mình vẫn còn thiết tha với việc viết, nhất là khi có điều kiện đầy đủ. Tôi cũng chuẩn bị cho một cuốn sách từ 2 năm nay. Có điều, tôi vẫn thiếu một cái gì đó, có thể là một cú hích, một sự khởi động để bật khỏi sức ỳ.
- Vì sao ông luôn đẩy không gian, nhân vật đến những trạng thái khác thường?
- Cuộc sống bình thường vốn tẻ nhạt, loanh quanh trong mấy việc mua bán, sinh tồn, đi lại... Cái đẹp phi thường quá ít. Văn học vốn bao giờ cũng làm cho cái bình thường ấy quá quắt lên. Chỉ sao chép những điều có thể xảy ra là cách viết đã giam hãm văn chương bấy lâu. Cần phải có ngòi bút dám vượt lên trên cái bình thường ấy. Đẩy mọi sự đến trạng thái khác thường cũng chỉ là một trong nhiều thủ pháp của văn chương xưa nay. Riêng ở tôi, điều này hơi khác. Tôi chủ trương chỉ cần khắc hoạ con người ở mức tầm thường, tự nó, những con người ấy biết khơi gợi cho bạn đọc những điều lớn hơn. Theo tôi, không biết cái tầm thường thì người ta không bao giờ biết đến cái vĩ đại. Trong văn chương, có thể có những cố gắng để đẩy người đọc đến trạng thái cảm xúc tột cùng, nhưng nó cũng dễ trở thành lố bịch.
- Ông quan niệm thế nào về cái đẹp trong văn chương?
- Tôi sang Pháp, được biết một câu chuyện. Tại một ngôi nhà thờ cổ có những cửa sổ bằng sắt, được gắn thêm đều đặn giữa hai chấn song là những chiếc vòng màu vàng. Mọi người đều tin là ai lồng cổ tay vào đó sẽ gặp điều may mắn, hạnh phúc. Đó là cái đẹp. Cái đẹp kỳ diệu của nội tâm. Trong văn chương cũng vậy. Cái đẹp là do con người nhận thức, tất nhiên nó có một số tiêu chí chung. Song tôi không có quan niệm cố định, vì cái đẹp luôn biến dịch. Có thể trong hoàn cảnh này là đẹp, nhưng không đẹp trong hoàn cảnh khác.
- Ông thích nhà văn nước ngoài nào?
- Các nhà viết tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc, tác giả 6 bộ sách nổi tiếng của đất nước vĩ đại này.
- Ngoài công việc hiện tại, ông có thú vui nào không?
- Tôi trải nghiệm nhiều cuộc sống, đi liền với các nghề nghiệp: dạy học, làm viên chức, vẽ tranh, bán quán ăn đặc sản, làm gốm... nhưng chỉ nghề viết văn là còn lại. Tôi làm mỗi nghề không quá 3 năm, giống như mở ra, đóng lại những cuộc chơi. Có thể đứng ngoài quan sát, nhưng tôi muốn thực sự là người trong cuộc. Muốn mình phải trải qua những vật lộn sinh tồn của mỗi nghề. Tôi làm tất cả để có vốn sống thực đầy ắp cho nghề viết. Tôi thất bại cũng nhiều nhưng đó lại là một thú vui.
- Triết lý bao trùm trong các sáng tác và cuộc sống của ông là gì?
- Tôi không có triết lý nào cả. Tôi chỉ hướng tới thiên nhiên. Thiên nhiên là điều tuyệt vời nhất. Hãy tôn trọng tự nhiên, môi trường sống của mình. Ta không muốn thì hoa ngoài kia vẫn nở toe toét, chim vẫn hót liên miên. Thiên nhiên bao gồm cả con người và cuộc sống. Mọi cái đẹp và sáng tạo, thực ra đều ẩn giấu trong tự nhiên, nhà văn chỉ việc tìm và thấy chúng.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)