![]() |
Đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng. |
- Cơ duyên nào đưa anh đến với nghề làm phim từ rất sớm?
- Nghề của tôi là cha truyền con nối. Bố là đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nên ngay từ nhỏ, tôi đã có may mắn được giao lưu, gặp gỡ với các thế hệ điện ảnh đi trước. Từ năm lớp 7, tôi đã theo bố đi làm phim, tham gia công việc ở tổ thiết kế đạo cụ. Lúc đó, tôi đi chỉ vì cái tính thích được lang thang. Hồi ấy, phim nào của bố tôi cũng đóng "một tí", toàn những vai phụ "linh tinh"... Và lòng yêu điện ảnh đã ngấm vào máu tự bao giờ. Tôi đã làm phó rất lâu cho đạo diễn Phi Tiến Sơn. Vào nghề rất sớm nhưng học nghề thực thụ là khi được làm cùng anh Sơn. Đây là khoảng thời gian quý báu mà tôi tích góp được nhiều kinh nghiệm hơn so với ở trường.
- Bộ phim "Người thừa của dòng họ" có gì khác so với kịch bản ban đầu?
- Tác giả kịch bản là anh Lê Công Hội, người đã rất quen thuộc với khán giả qua các bộ phim về đề tài nông thôn như Ván cờ, Người thổi tù và hàng tổng... Với anh Hội, đây là mảng đề tài "ruột" mà anh nắm rất vững và giàu vốn sống. Do đó, tôi rất yên tâm khi làm việc với anh. Tên kịch bản đầu tiên là Vòng xoay cổ điển. Khi làm phim, tôi và Phong có sửa chữa đôi chút về cốt truyện, nhân vật và đổi tên cho phù hợp hơn.
- Nhưng "Người thừa của dòng họ" khiến khán giả liên tưởng ngay đến bộ phim "Người thổi tù và hàng tổng" của đạo diễn Phi Tiến Sơn, nhất là khi gặp nét hài hước ở nhân vật anh Bảo (Quốc Tuấn đóng). Anh nghĩ sao?
- Thực ra, tôi cũng lo khán giả sẽ nhầm đây là Người thổi tù và hàng tổng phần 2. Cả 2 bộ phim đều có nét hài hước và bối cảnh ở nông thôn. Người thừa của dòng họ chỉ dài có 3 tập. Các tập phim sau sẽ cho thấy sự khác biệt giữa hai bộ phim. Nhân vật mà anh Quốc Tuấn đóng ở hai phim hoàn toàn khác nhau. Một đằng là trưởng thôn, làm lãnh đạo có tính cách hóm hỉnh, hài hước; một đằng là người nông dân thiếu kiến thức nhưng chịu khó học hỏi, dám nghĩ dám làm và đã thành công.
- Vai Bảo của anh Quốc Tuấn được khán giả rất yêu thích. Anh đánh giá thế nào về vai chính này?
- Với tôi và Phong, việc mời được anh Quốc Tuấn vào vai chính là một thành công. Đây là vai diễn khó, đòi hỏi diễn viên phải chủ động, sáng tạo. Tôi đã nghĩ đến anh Tuấn ngay từ khi viết kịch bản phân cảnh nhưng lại ngại rằng khán giả sẽ nhầm sang anh trưởng thôn ở phim kia. Nhiều phương án đã đưa ra nhưng tôi vẫn nghĩ, không ai có thể hơn anh Tuấn. Anh ấy đã đảm nhiệm rất tốt vai trung tâm này. Đặc biệt, anh còn tự lồng tiếng cho vai diễn nên mọi cảm xúc diễn được lặp lại cả ở phần tiếng. Sự tham gia của anh đã góp phần làm nên thành công cho bộ phim.
- Vậy điều anh tâm đắc nhất ở bộ phim này là gì?
- Là không khí làm phim: rất vui và thoải mái. Mọi người đều nhiệt tình, cùng nghĩ, cùng sáng tạo và đã đóng góp nhiều ý kiến hay.
- Là một đạo diễn trẻ, anh định tìm cho mình "mảnh đất riêng" nào để khai thác sâu?
- Tôi không nghĩ là người đạo diễn phải tìm cho mình một đề tài cụ thể để bám mãi vào nó. Đề tài nào tạo rung động thì nên làm. Chỉ có điều hãy tìm cách kể chuyện, cách tiếp cận khán giả theo cách riêng. Ví dụ như ở Người thừa của dòng họ, tôi và Phong không có ý định làm một phim hài, nhưng luôn tìm cách kể hóm hỉnh để bộ phim sinh động hơn và dễ dàng đến với khán giả hơn.
(Theo Hà Nội Mới)