"Ngôn từ trong thơ và nhạc" là chủ đề buổi giới thiệu tác giả tác phẩm của Nguyễn Hữu Hồng Minh và người bạn Mộc Quốc Khanh, diễn ra vào 13h30 chiều 24/11 tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. Hai tác giả có buổi trò chuyện xoay quanh đề tài này.
- Duyên cớ nào khiến một nhà thơ và một người vốn làm kinh tế kết hợp trong chương trình giao lưu văn nghệ dành cho sinh viên?
- Nguyễn Hữu Hồng Minh (NHHM): Hai chúng tôi đều là sinh viên của trường từ năm 1992, khi Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM còn mang tên Đại học Tổng hợp. Chính Câu lạc bộ Văn học và Nghệ thuật của trường, mà đại diện là Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh, đã làm cầu nối để chúng tôi có buổi trò chuyện với các bạn sinh viên.
Dịp này cũng đánh dấu đúng 20 năm chúng tôi trở lại mái trường năm xưa. Vì thế, với chúng tôi, nó rất ý nghĩa và xúc động!
- Mộc Quốc Khanh (MQK): Sau khi phát hành CD album Những cơn mưa vô thường và tuyển tập ca khúc cùng tên (NXB Âm Nhạc, 2011- 2012), tôi rất ngạc nhiên về hiệu ứng của hai ấn phẩm đầu tay này và sự ủng hộ của mọi người dành cho mình. Do bận bịu, từ đó đến nay tôi chưa có dịp tổ chức một buổi ra mắt CD album nào. Cơ duyên đã đưa tôi gặp gỡ nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh để có mối giao cảm về tình yêu đối với thi ca và âm nhạc của hai người bạn cùng thế hệ.
- Nguyễn Hữu Hồng Minh là một cái tên quen với độc giả, còn Mộc Quốc Khanh còn là cái tên xa lạ, mới mẻ. Hai anh kết hợp với nhau ra sao để tạo điểm nhấn?
- NHHM: Anh Khanh chỉ được biết đến qua album đầu tay nói trên, gói gọn trong 8 ca khúc. Nhưng ít ai biết anh đã ấp ủ điều này hơn 20 năm. Theo tôi biết, anh ấy viết ít, chắt lọc từng chữ nhạc một cách nhọc nhằn. Khi chơi với nhau và nghe nhạc Khanh, tôi thấy anh yêu nhạc, mê nghệ thuật như một tín đồ vậy! Hay nói khác hơn là "Một kiếp mang nặng" như chính lời ca của Khanh. Còn tôi cũng bắt đầu soạn bài hát đầu tay từ khi là sinh viên, nhưng đến 20 năm sau mới có cơ hội ra album đầu tiên. Tôi tin khi chúng tôi kết hợp với nhau, cả hai sẽ thu hút các bạn trẻ ở trải nghiệm và cảm xúc chân thành.
- Với một chủ đề mang tính học thuật và lại hàm chứa nội dung chung chung như "Ngôn từ trong thơ và nhạc", hai diễn giả làm thế nào để buổi giao lưu sinh động, bay bổng hơn?
- NHHM: Nói về ngôn từ với một nhà thơ là điều không dễ dàng dù ngôn từ là thứ mà người làm thơ, viết nhạc phải phải đối diện, "xài" nó ngày ngày. Sinh mệnh của chữ cũng như sinh mệnh con người khai triển nhiều phía như bề mặt, chiều sâu, nghĩa bóng, nghĩa đen, phơi mặt, lộn trái... Như nhà thơ người Áo Rilke, khám phá chữ là "niềm cô đơn không tận".
- MQK: Khi bàn về câu chuyện văn chương chữ nghĩa với giới sinh viên trí thức, cũng cần tuân theo một khuôn khổ nhất định để gắn kết hài hòa giữa lý luận với thực tế. Sự bay bổng có hay không, nhiều hay ít không nhất thiết phù thuộc vào nội dung đề tài, mà tùy thuộc vào khả năng truyền tải cảm xúc của người nói đến người nghe.
- Ở buổi này, hai anh chia sẻ gì về tác phẩm của nhau?
- NHHM: Tập thơ Vỉa từ của tôi sẽ được đề cập đến trong buổi nói chuyện. Tập này là một kiểu nghiên cứu "dưới đáy ngôn từ" do tôi hoàn thành năm 2002. Tôi gửi gắm trong đó những băn khoăn, ám ảnh chữ nghĩa, suy tư về thời đại của người nghệ sĩ... Nếu đời sống tiêu dùng vật chất có "bạc giả", thì đời sống tinh thần của thi sĩ cũng có "chữ giả". Một nhà thơ sống chết trong thế giới chữ cộng sinh của mình.
- MQK: Tôi rất thích mỗi khi nghe nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh nói anh ấy không hiểu tôi. Biết đâu sau buổi giao lưu này, anh ấy hiểu các ca khúc của tôi thêm một chút! Riêng tôi cũng có nhu cầu muốn hiểu rõ hơn tác phẩm của anh Nguyễn Hữu Hồng Minh, nhất là cuốn Vỉa từ.
- Điều lớn nhất các anh muốn nói với độc giả, khán giả trẻ là gì?
- NHHM: Với một thi sĩ, ám ảnh thời gian cũng là ám ảnh của chữ, của hình tượng. Họ vượt đuổi những câu thơ trên bóng thời gian như vượt đuổi những cánh bướm. Để rồi thời đại định lượng lại giá trị của họ trên những câu thơ ngỡ phù dung mà đầy sức nặng ấy... Và tôi nghĩ ca từ đối với âm nhạc cũng vậy!
Như ở nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi đọc thấy từ ông ngoài giai điệu ra, ca từ của bài hát cũng vô cùng quan trọng chứ không chỉ dừng lại ở "thanh âm" như nhiều người nghĩ. Nói như Octavio Paz: "Thiếu thi ca chúng ta trở nên ú ớ". Thiếu ngôn từ hay những biểu tượng ngôn ngữ sẽ "tắt tiếng" hay "tắt lửa" mọi cội nguồn nghệ thuật!...
- MQK: Ở độ tuổi 30, tôi bắt đầu hoài nghi về cuộc đời và tự chôn mình trong tình trạng mất phương hướng tinh thần vì bị ám ảnh triền miên bởi những cuộc chia ly sinh tử. Tôi suy nghĩ về cuộc sống song hành với "cuộc chết" cho đến khi tác phẩm Những cơn mưa vô thường ra đời. Với tác phẩm này, tôi bất chợt nắm bắt được cái cảm giác thấy mình được tắm gội trong ao hồ giải thoát. Khi những cơn mưa vô thường đổ xuống đời tôi, có thể tôi đã chết hoặc có thể tôi lại được hồi sinh. Tôi muốn chia sẻ về sự ám ảnh này!
Chương trình còn có sự góp mặt của các ca sĩ Lê Anh, Duy Thủy, Thịnh Lan. Họ sẽ trình bày một số bài hát như: Hà Nội giọt đêm tan chày, Năm tháng cuộc đời vẫn như xưa, Kỷ niệm xanh do Nguyễn Hữu Hồng Minh sáng tác và các ca khúc trong CD nhạc Những cơn mưa vô thường. Câu lạc bộ Văn học và Nghệ thuật của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM từng tổ chức nhiều chương trình giao lưu với các nhà văn như: Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Nhật Ánh, nhà thơ Giang Nam... |
Thất Sơn thực hiện