- Hơn 10 năm sang Mỹ, cuộc sống hiện tại của chị ra sao?
- Tôi khá bận rộn vì thường xuyên bay show xa mỗi cuối tuần. Những khi phải biểu diễn ở châu Âu hay Australia, tôi vắng nhà một, hai tuần là bình thường. Lịch diễn có trước từ ba đến sáu tháng nên tôi có thời gian sắp xếp chăm sóc con cái và tập trung làm những dự án âm nhạc khác. May mắn của tôi là có ông xã đồng cảm để chia sẻ công việc, chuyện con cái. Anh là người sát cánh cùng tôi vượt qua nhiều chênh chao trong cuộc sống, nhất là quãng thời gian khi bé Skyler - con trai của tôi và chồng cũ - điều trị bệnh tự kỷ.
- Chị phát hiện bệnh tình của bé từ khi nào?
- Cách đây vài năm, khi bé Skyler được hai tuổi rưỡi. Lúc đó, bác sĩ gia đình nói rằng bé có những biểu hiện của trẻ bị tự kỷ. Chẳng hạn, khi tôi gọi tên thì bé không quay đầu lại, bé không bao giờ nhai, nuốt đồ ăn mà chỉ biết uống sữa và ăn cháo xay. Bé cũng không biết nói gì ngoài vài tiếng ê a. Mắt bé không bao giờ nhìn vào người đối diện.
Khi ấy, thực lòng, tôi chỉ mong đó là sự chẩn đoán nhầm lẫn của bác sĩ, rằng con mình chậm nói hơn các trẻ khác đôi chút thôi. Nhưng sau vài tháng, tôi và bố của bé Skyler quyết định đưa bé tới trung tâm dành cho các bé bị tự kỷ. Đó là quãng thời gian rất khó khăn với chúng tôi vì cả hai đang tiến hành ly hôn.
- Thời gian đầu chăm sóc bé, chị vất vả ra sao?
- Lúc đó, tất cả những gì tôi làm lụng, suy nghĩ đều chỉ tập trung cho con mình. Tôi không cho phép bản thân gục ngã hay yếu mềm. Giai đoạn đầu, bé Skyler hầu như không ra ngoài hay đi xa được vì bé ăn uống rất khó khăn. Ban đêm, bé ngủ không ngon giấc, thức liên tục và quấy khóc. Nhiều đêm, tôi phải thức trắng ngồi ôm bé và mát-xa cho giấc ngủ của con sâu hơn. Tôi mướn thêm người phụ làm việc nhà và trông bé. Cuối tuần, bố của bé phụ tôi chăm sóc trong lúc tôi phải bay show xa để lo kinh tế.
Ở Mỹ, các bé bị tự kỷ may mắn có các trung tâm tới giúp dạy dỗ hai giờ đồng hồ mỗi ngày. Tuy nhiên, điều này chỉ hỗ trợ một phần nào đó. Quan trọng nhất, tôi và bố bé phải ngồi lại, tự nghiên cứu và tìm một phác đồ điều trị riêng cho bé.
- Chồng chị - anh Minh Quân - giúp chị chăm con trai ra sao?
- Chồng tôi luôn lo lắng, thương yêu bé Skyler như con ruột. Mỗi buổi sáng, anh thức dậy rất sớm và đưa bé đi học. Anh biết nghề hát của tôi thức khuya dậy sớm, cần giữ sức khỏe nên giấc ngủ là quan trọng nhất. Buổi tối, anh đưa bé đi học thêm để rèn luyện kỹ năng nói. Bé Su Kem - con gái chung của chúng tôi - mới một tuổi nên chỉ theo mẹ thôi, còn bé Skyler luôn được cả nhà dành một sự chăm sóc đặc biệt.
Hiện, bé Skyler đã được sáu tuổi, đang tập ăn cơm. Bé vẫn chưa hoàn toàn nhai được nên tôi phải nấu súp với thịt, rau, tôm, cá rồi trộn vào cơm. Theo các chuyên gia, những ngày thay đổi thời tiết, do không có đủ oxy trong não, bé sẽ rất khó chịu, dễ bực bội, vợ chồng tôi cũng phải linh hoạt trong cách dạy dỗ bé hơn. Giờ, bé đã tự tập đánh vần chữ cái hay số học, nhưng chỉ nói được vài từ khi thấy cần nói thôi. Bé đang học ở trường công lập bình thường nhưng ở lớp dành cho trẻ đặc biệt. Mỗi lớp như vậy chỉ khoảng sáu em bé, có ba hoặc bốn cô giáo chăm nom các em.
- Điều gì ở người chồng hiện tại khiến chị cảm thấy muốn gắn bó?
- Giờ nghĩ lại, vợ chồng tôi vẫn còn thấy buồn cười. Hơn sáu năm trước, khi gặp nhau, chúng tôi chẳng ngờ một ngày cả hai lại thành đôi. Anh Quân ở thủ đô Washington, còn tôi sống ở bang California. Thời điểm đó, tôi mới sinh bé Skyler và vẫn đang sống hạnh phúc với bố của bé. Anh Quân khi đó cũng có bạn gái. Thời gian trôi đi, hôn nhân của tôi tan vỡ. Sau đó, anh Quân đã ngỏ lời muốn gắn bó nhưng tôi từ chối. Khi ấy, như con chim sợ cành cong, tôi không còn niềm tin vào tình yêu nữa.
Thế rồi, duyên nợ đã kéo hai đứa lại với nhau. Tôi nhận được nhiều lời mời biểu diễn ở Washington hơn. Từ đó, chúng tôi có nhiều cơ hội tìm hiểu, chia sẻ. Tôi từng bị trầm cảm vì áp lực làm mẹ đơn thân. Anh là người cho tôi thấy mình đã mạnh mẽ ra sao khi một mình nuôi con, khiến tôi tự tin hơn. Nhờ anh, tôi nhận ra tình yêu là sự hy sinh của một người đàn ông luôn vì người phụ nữ mình thương. Họ chấp nhận thay đổi cả hoàn cảnh sống, công việc, đánh cược với sự nghiệp vì mình. Dần dần, tôi nghĩ đó là người xứng đáng để cùng nắm tay đi tới cuối con đường.
- Là doanh nhân, anh chia sẻ với chị áp lực kinh tế ra sao?
- Chúng tôi hiếm khi quan trọng chuyện ai sẽ là người kiếm tiền. Với tôi, vợ chồng là sự hoán đổi, có thể ngày hôm nay tôi kiếm nhiều tiền nhưng ngày mai lại sẽ là anh. Chúng tôi luôn có một kế hoạch tài chính và tôn trọng ý kiến của nhau trong những chi tiêu cho gia đình, con cái và người thân. Phụ nữ là tay hòm chìa khóa nên anh luôn để tôi quyết định mọi chuyện về tài chính.
- Chồng cũ hiện hỗ trợ chị chăm bé Skyler như thế nào?
- Bố của bé hàng ngày vẫn chia sẻ với tôi về việc chăm sóc bé, chuyện bé học tập và rèn luyện kỹ năng sống. Tôi cũng muốn bé gần gũi cả bố lẫn mẹ mỗi ngày để bé cảm nhận được rằng, dù chúng tôi sống riêng sau ly hôn, tình thương với bé chỉ nhiều hơn chứ không giảm đi.
Sau ly hôn, tôi coi những đổ vỡ về tình cảm chỉ đơn giản là hết duyên. Do đó, chúng tôi chọn cách cư xử là đặt quyền lợi của con cái lên hàng đầu. Tôi quan niệm chồng cũ có vợ mới thì mình phải biết ơn người phụ nữ đó vì họ đang mang đến hạnh phúc cho bố của con mình, đồng thời họ cũng đang góp phần chăm sóc con cái trong khi không phải là trách nhiệm của họ. Vậy thì, vì lẽ gì chúng tôi không thể vui vẻ, yêu thương nhau?
Nguyễn Hồng Nhung sinh năm 1981, từng theo học Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Cô được biết đến khi thi Sao Mai điểm hẹn năm 2004. Năm 2005, ca sĩ sang Mỹ định cư. Cô đã thực hiện các album như Niềm đau đã qua, Dĩ vãng cuộc tình... Hiện cô theo đuổi dòng nhạc pop ballad, nhạc tiền chiến hoặc mang phong cách thính phòng.
Mai Nhật thực hiện