- Cơn gió nào đã đưa anh đến với nghề lồng tiếng?
- Đó là cả một quá trình dài. Từ thời phổ thông, bạn bè đã khuyến khích tôi đi theo con đường nghệ thuật. Tôi cũng thấy mình có chút năng khiếu về ca hát và diễn xuất, thế là nộp đơn thi vào trường Điện ảnh Việt Nam khóa đầu tiên của TP HCM. Lúc đó là năm 1987. Nhiều bạn trong lớp của tôi thành công ở lĩnh vực điện ảnh như Lý Hùng, Ngọc Hiệp, Lê Tuấn Anh, Diễm Hương..., riêng tôi lại có duyên với công việc phía-sau-hậu-trường. Sau này, tôi cũng rủ nhiều bạn trong lớp tham gia lồng tiếng với mình bởi ngoài điều kiện cần là chất giọng đẹp, người lồng tiếng phải biết diễn xuất sao cho ăn khớp với tính cách, tâm trạng, hoàn cảnh của nhân vật.
Năm thứ 2 đại học, tôi tiến một bước gần hơn với nghề lồng tiếng đó là làm thuyết minh phim. Khi đi xin việc tại Nhà văn hóa Thanh niên, tôi được thầy Hữu Luân (lúc đó là Phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh Niên) giao cho một “điệp vụ bất khả thi”, đó là: “Em phải làm sao mà sau một tháng, khi nhắc tới rạp chiếu phim là người ta nhắc tới Nhà văn hóa Thanh Niên”. Trời ơi, lúc ấy Nhà văn hóa Thanh Niên mỗi ngày chỉ bán được 5 vé, biết là khó nhưng vì muốn nhận việc nên tôi đánh liều gật đầu. Vậy mà cuối cùng lại được, tôi đổi đề tài, chọn dòng phim được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng để thu hút đối tượng sinh viên. Sau đó là một quá trình tự mày mò, đi tìm mua phim bên ngoài, tìm người dịch và tự đọc thuyết minh. Kết quả ngoài mong đợi, tới ngày chiếu, sinh viên và khán giả kéo đến rạp đông nghẹt. Một phần vì thể loại phim này khá hiếm vào thời đó, phần vì cách chiếu mới mẻ không có giờ giải lao giữa phim. Sau “điệp vụ” này, tôi trở thành nhân viên chính thức, điều hành rạp phim và phòng văn hóa nghệ thuật của Nhà văn hóa Thanh Niên.
Đến năm 1999, phong trào xem phim Hong Kong nở rộ, các gia đình thường thuê phim tại các cửa hàng băng đĩa. Nhu cầu lồng tiếng trở nên ngày một nhiều. Một đơn vị tư nhân đã liên hệ với tôi, cho biết cần một nhóm lồng tiếng cho phim, thế là tôi chính thức bước vào công việc lồng tiếng.
Đạt Phi trong phòng thu. |
- 4 năm học điện ảnh và kinh nghiệm làm thuyết minh đã giúp anh bước vào công việc lồng tiếng một cách thuận lợi, nhưng tại sao anh vẫn chưa phải là một diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp?
- Chỉ tới khi ATV (Đài truyền hình Á Châu của Hong Kong) mở công ty tại Việt Nam, chúng tôi mới trở thành nhân viên chính thức của ATV và là diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp. Sau ATV, tới năm 2002, khi Đài truyền hình và Kênh truyền hình Việt Nam phát triển mạnh, tôi bắt đầu lồng tiếng cho phim truyền hình, tiêu biểu là những bộ phim Hong Kong, Đài Loan, Thái Lan.
- Quãng thời gian làm cho Đài truyền hình Vĩnh Long để lại những kỷ niệm gì cho anh?
- Tôi làm ở vai trò tư vấn. Những năm đó, ĐTH Vĩnh Long vẫn là một đài nhỏ. Tôi chọn những bộ phim của đài TVB phù hợp với người dân ở đồng bằng và phụ trách lồng tiếng cho chính những bộ phim này. Phim được khán giả đón nhận nhiệt liệt. Sau một thời gian, đài truyền hình Vĩnh Long trở thành một trong những đài lớn với lượng rating cao và giọng nói của Đạt Phi cũng trở nên phổ biến.
- Ở thời điểm hiện tại, khi những bộ phim TVB không còn ở “thời hoàng kim” như những năm trước, nghề lồng tiếng của anh có vì thế mà “lụi tàn”?
- Tôi luôn nhận thấy mình là người may mắn, khi cánh cửa này khép lại thì cánh cửa khác mở ra. Bên cạnh lồng tiếng phim, tôi cũng đọc cho các phim quảng cáo. Năm ngoái, tôi lại bước sang một bước ngoặt mới - trở thành đạo diễn lồng tiếng cho các phim chiếu rạp ở Việt Nam.
Đạt Phi cùng các bạn trong nhóm lồng tiếng. |
- Anh hãy nói sâu hơn về bước ngoặt này?
- Đầu tiên là sự hợp tác với hãng phim BHD cho phim Xì-trum (The Smurf). Sau thành công của phiên bản lồng tiếng này, tôi tiếp tục làm cho các phim Công chúa tóc xù (Brave), Khách sạn huyền bí (Hotel Transylvania) và Ráp-phờ-đập-phá (Wreck-It-Ralph). Với mỗi phim, tôi sẽ tuyển chọn diễn viên phù hợp cho từng nhân vật, hướng dẫn diễn viên lồng tiếng, làm việc với bộ phận âm thanh sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
- Trong 4 bộ phim anh làm, phim nào đạt hiệu quả cao nhất? Khó khăn cũng như thành công lớn nhất của anh là gì?
- Tôi tâm đắc nhất là bộ phim Khách sạn huyền bí, bởi quỹ thời gian nhiều hơn và tôi đã rút được nhiều kinh nghiệm từ 2 bộ phim trước. Ở phim này, nhân vật ma cà rồng Dracula được xem như “đo ni đóng giày” cho anh Hữu Châu. Nhiều người gọi điện cho tôi và nói rằng “thích phiên bản lồng tiếng hơn”, “xem phiên bản lồng tiếng vui hơn nhiều”. Đó chính là hạnh phúc lớn nhất của tôi và của cả ê-kíp.
Còn khó khăn của một đạo diễn lồng tiếng đó là khi diễn viên không hiểu và không diễn được cảm xúc của nhân vật. Như trong trường hợp của em bé lồng cho vai công chúa ngày nhỏ. Ở những đoạn cười, tôi phải thị phạm và tìm nhiều “mẹo” khác nhau để giúp bé diễn đúng cảm xúc của nhân vật. Cuối cùng cả tôi và bé đều thành công với vai diễn này. Bây giờ bé trở thành một diễn viên lồng tiếng nhí chuyên nghiệp.
Niềm vui lớn nhất của tôi chính là những sáng tạo của mình được khán giả đón nhận. Chẳng hạn trong phim Khách sạn huyền bí, khi Jonathan bị Dracula đuổi, Jonothan có đoạn thoại như sau: “Ông ơi, ông đừng ăn thịt con... con còn 6 đêm diễn của ban nhạc Dave Matthews chưa xem”, để cho gần với khán giả Việt hơn, tôi đổi lại thành: “Con còn 6 show diễn của Đàm Vĩnh Hưng chưa xem”. Khi phim chiếu, đoạn thoại này mang lại hiệu ứng đặc biệt. Nụ cười của khán giả là niềm hạnh phúc và cảm hứng để tôi tiếp tục công việc.
- Công ty Truyền thông Đạt Phi có ý nghĩa thế nào trong sự nghiệp của anh?
- Công ty là phương tiện để tôi làm việc tốt hơn và mở rộng việc đào tạo diễn viên lồng tiếng của mình. Trước đây, tôi chỉ nhận đào tạo một số bạn có tố chất và đam mê công việc lồng tiếng. Bây giờ, các bạn đã thành nghề và vẫn cộng tác với tôi. Đó vừa là thành công vừa là niềm hạnh phúc của mình. Ngày càng nhiều bạn muốn tìm hiểu và học hỏi công việc lồng tiếng, vì vậy lập công ty cũng là cách để tôi truyền lại những kinh nghiệm mình có được.
Đạt Phi trong buổi ra mắt phim "Wreck It Ralph". |
- Bên ngoài công việc, anh là người như thế nào? Quan điểm sống của anh là gì?
- Tôi là người hài hước và luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Những lúc rảnh rỗi tôi thường xem phim, mua sắm và chơi đùa cũng hai đứa con nhỏ. Đây là giai đoạn tôi cảm thấy hài lòng nhất vì mình vừa chăm sóc tốt cho mẹ, cho gia đình nhỏ và cho bản thân. Tôi luôn tâm niệm một điều rằng thành công không cần phải là điều gì to tát hay được nhiều người vinh danh, chỉ cần mình cảm thấy có ý nghĩa với những việc mình làm và làm tốt nhất ở phạm vi công việc là được.
Báo điện tử VnExpress phối hợp với Kiwi - Thương hiệu xi đánh bóng và bảo vệ giày nổi tiếng với lịch sử phát triển hơn 100 năm của tập đoàn SC Johnson & Son - thực hiện chuyên mục "Chia sẻ bí quyết thành công". Tại chuyên mục, độc giả có thể đọc các bài chia sẻ niềm đam mê, kinh nghiệm vượt qua khó khăn, thử thách để đạt đến thành công của các cá nhân có thành tích nổi bật trong quá trình kinh doanh và làm việc. Bên cạnh chia sẻ về chuyên môn, họ còn chia sẻ về nhiều bí kíp và yếu tố góp phần tạo nên phong cách của người thành đạt. Độc giả có thể tham gia trả lời câu hỏi bên dưới mỗi bài viết để có cơ hội nhận được phần quà là một bộ sản phẩm chăm sóc giày chất lượng cao của Kiwi. Với mỗi câu hỏi, ban biên tập sẽ chọn ra một độc giả có câu trả lời đúng và gửi đến tòa soạn sớm nhất để trao phần thưởng (Độc giả ghi rõ họ tên, địa chỉ mail, CMND và điện thoại). Mọi thắc mắc về chương trình, gửi về địa chỉ email: phuongntk5@fpt.com.vn hoặc liên hệ với Phượng - 0918 728 290. |
Câu hỏi dành cho độc giả - Kỳ 8: Mua giày vào thời gian nào là tốt nhất? A. Sáng B. Trưa C. Chiều tối Gửi câu trả lời của bạn kèm: - Họ tên - CMND - Số điện thoại - Địa chỉ (gửi bưu phẩm) Về email: duthi@vnexpress.net Email ghi rõ: Tham gia trả lời câu hỏi cho chuyên mục Chia sẻ bí quyết thành công và đáp án của bạn. Một bộ sản phẩm Kiwi sẽ được gửi cho độc giả trả lời đúng câu hỏi và may mắn nhất. |
Phương Thảo