![]() |
Đại diện VKS đọc bản luận tội. Ảnh: Anh Đức |
VKSND tỉnh Thái Bình nhận định, các đơn vị, trường học, cá nhân và 5 công ty bán máy tính dễ dàng bị Ánh lừa với số tiền lên tới hơn 4,6 tỷ đồng (hơn 4 tỷ đồng mua máy, hơn 600 triệu đồng lừa đảo chiếm đoạt) là do ông Tôn giới thiệu Ánh với các cơ quan này. Ông còn bút phê vào thư tay của Ánh, chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho Ánh thực hiện mưu đồ lừa đảo. Hành vi của ông Tôn tuy không gây thiệt hại lớn về tài sản, nhưng gây hậu quả nghiêm trọng khi làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Quốc hội và ngành giáo dục.
Tuy nhiên, căn cứ vào nhân thân tốt cùng thành tích quá trình công tác, VKSND tỉnh Thái Bình đã cân nhắc tình tiết giảm nhẹ, đề nghị HĐXX tuyên án 6-7 năm tù đối với ông Mạc Kim Tôn. Cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ 1-5 năm.
Theo cơ quan công tố, bị cáo Trần Thị Ánh “dựa bóng” ông Tôn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 5 đơn vị bán thiết bị tin học và 46 đơn vị, trường học, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Ánh đã lừa đảo chiếm đoạt và hưởng lợi hơn 460 triệu đồng. VKS nhận xét, tại phiên tòa bị cáo Ánh không thành khẩn, khai báo không trung thực.
![]() |
Bị cáo Tôn và Ánh. Ảnh: Anh Đức |
Nhiều người liên quan vắng mặt
Trong phiên xử sáng nay, nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không đến tòa theo giấy triệu tập. Do vậy, để làm rõ những khoản tiền các đơn vị này đã chi cho ông Tôn và Ánh, HĐXX công bố nhiều tài liệu điều tra của Công an tỉnh Thái Bình.
Ông Tôn phủ nhận gần hết nội dung tài liệu công bố, cũng như lời khai của người bị hại tại tòa. Cũng có lúc nguyên giám đốc Sở Giao dục Đào tạo Thái Bình thừa nhận cầm tiền, nhưng số lượng “vênh” khá nhiều so với kết quả điều tra. Chẳng hạn, trường THPT Kiến Xương khai đưa 11 triệu đồng, ông chỉ thừa nhận có 2 triệu...
Trước việc Công ty Kiên Cường đòi Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Thái Bình hoàn trả tiền bán 267 bộ máy tính và khoảng 1 tỷ đồng các chi phí khác, luật sư Phạm Hồng Hải (bào chữa cho bị cáo Mạc Kim Tôn) hỏi Nguyễn Văn Cường (Phó giám đốc Kiên Cường): "Vì sao ông Tôn không ký hợp đồng kinh tế mà vẫn tiếp tục chuyển số lượng lớn máy tính đến các trường để lắp?". Ông Cường trả lời, tin tưởng ông Tôn là giám đốc Sở nên mới “bán chịu”. Giống như hôm qua, doanh nghiệp này khẳng định chỉ mua bán với ông Tôn, không biết Trần Thị Ánh là ai.
Còn ông Tôn khẳng định chưa lần nào tiếp xúc, bàn bạc với Công ty Kiên Cường về việc mua bán máy tính. Ông Tôn chỉ gặp Cường trong những lần đi lắp đặt máy tính tại các đơn vị, trường học.
Đại diện Công ty Kiên Cường cho rằng Ánh chỉ đóng vai trò giám sát trong việc lắp đặt máy tính cho các đơn vị, trường học. Tuy nhiên, trước câu hỏi của luật sư: "Ánh chỉ đóng vai trò giám sát, vì sao Công ty Kiên Cường phải chi cho Ánh 20 triệu đồng?". Đại diện Kiên Cường đã im lặng.
Tại tòa, luật sư công bố tài liệu chứng minh Công ty Kiên Cưòng thường xuyên “xin ý kiến” của Ánh trong quá trình triển khai dự án. Luật sư Hải hỏi: "Kiên Cường lấy gì để chứng minh Trần Thị Ánh chỉ là giám sát?". Việc này cũng không nhận được câu trả lời từ phía Kiên Cường.
Trần Thị Ánh khai trong dự án ma cung cấp thiết bị tin học cho các đơn vị, trường học, Ánh chỉ là người đi theo giám sát, không phải là chủ dự án. Ánh cho rằng ông Tôn mới là người phải chịu trách nhiệm chính. Theo đó, giám đốc Sở Giáo dục đào tạo Thái Bình là người “cân đối” các đơn vị được thụ hưởng dự án và thân chinh đi đến từng trường được xem xét việc lắp đặt máy tính.
Đại diện VKSND tỉnh Thái Bình giữ quyền công tố tại tòa nhận xét, Ánh khai báo không trung thực, bỏ trách nhiệm chủ mưu lập dự án ma để lừa đảo.
Phiên tòa tiếp tục với phần tranh tụng, đối đáp giữa luật sư bào chữa và đại diện VKS.
Anh Đức