- Trong chương trình "Dưới mái đình" vừa qua, tại sao anh thừa nhận: “Thiếu kính, thiếu râu, thiếu mũ cao bồi thì không còn là Nguyễn Cường”?
|
Nhạc sĩ Nguyễn Cường. |
- Cách đây hơn 10 năm, đạo diễn Long Vân nói với tôi: “Nguyễn Cường đóng phim được đấy. Nhưng mày mà bỏ mũ cao bồi ra thì mất 50%, bỏ kính ra mất 20%, bỏ râu ria ra mất 30%”. Người Pháp có một câu rất hay: “Nụ hôn không có râu cũng giống như ăn bánh mì không có patê”. Các cụ nhà mình cũng nói: “Đàn ông là râu, đàn bà là ngực”. Đàn ông chăm sóc râu cũng như phụ nữ chăm sóc đôi gò bồng đảo. Tôi quan niệm đàn ông thì phải có râu. Tôi bị cận từ năm 10 tuổi, nên phải đeo kính. Đeo vào lại thấy nó làm mình hay hơn. Còn mũ cao bồi xuất phát từ lý do tôi rất thích anh cao bồi. Cao bồi là những người chăn bò, nghĩa hiệp, khỏe mạnh, ngang tàng, hoang dại.
Đó là lý do gần 20 năm nay tôi đội mũ cao bồi, hiện tại tôi có khoảng 20 chiếc mũ các kiểu. Nhưng những cái thích đó vẫn chưa đủ, còn phải hợp nữa. Rõ ràng tôi đội mũ, đeo kính, để râu thì đẹp trai hơn!
- Còn việc anh rất chung thuỷ với chiếc quần jeans?
- Tôi mặc quần jeans từ năm 1975, đơn giản vì nó đúng là mình, rất khỏe khoắn. Tính tôi không thích sự gò bó, cứng cáp, trịnh trọng. Tất nhiên khi cần, như đi vào Nhà hát Lớn hay dự những nghi thức quan trọng thì tôi phải mặc complet đàng hoàng.
Cách ăn mặc của tôi từ lâu đã trở thành bản năng, chứ tôi không cố tình trau chuốt. Ấy vậy mà hôm diễn ra Dưới mái đình, bạn bè nhắn tin, không khen chương trình hay mà cứ khen anh đẹp trai quá, phong độ quá!
- Lãng mạn, mạnh mẽ là phong cách âm nhạc Nguyễn Cường. Liệu ở đây có sự mâu thuẫn, khi lãng mạn dễ làm người ta hình dung đến sự yếu mềm?
- Theo tôi, bản chất của lãng mạn không hề yếu đuối. Thời kỳ những năm 1930 gọi là lãng mạn - đau tim với nhiều ca khúc rên rỉ, khóc lóc. Cách mạng thành công, nhiều nhạc sĩ cất lên tiếng hát hoành tráng, bay bổng. Đó là lãng mạn cách mạng, mạnh mẽ. Nếu có buồn thì cũng là cái buồn đầy khát khao. Thế hệ chúng tôi đã kế thừa được điều đó.
- “Mảng Tây Nguyên trong âm nhạc Nguyễn Cường dễ dàng làm người ta nhận thấy sự trần trụi của một tâm hồn rất đời”, anh lý giải gì về nhận xét này?
- Đúng vậy, vì tôi rất thích sự trần trụi. Chế Lan Viên có một câu rất hay: Vạt áo nhà thơ không chứa nổi những viên ngọc đời đánh rơi đánh vãi. Nhiều khi chúng ta cứ đao to búa lớn, nhưng nghệ thuật là nói những lời giản dị để bộc lộ hết cái ghê gớm.
- Nhưng còn có ý kiến cho rằng tâm hồn Nguyễn Cường còn trần trụi hơn mà không thể đưa vào ca khúc, vì ranh giới của nghệ thuật không cho phép. Anh nghĩ sao?
- Làm nghệ thuật phải hiểu một điều: Người nghệ sĩ chỉ cần bước quá một chút sẽ trở thành phi nghệ thuật ngay. Bài Say trăng, tôi viết: Đường khuya ngõ hẹp, chân khuya ngập ngừng, ngực trăng mới nhú, nõn nà vú măng... để tả vẻ đẹp người phụ nữ. Thế mà có ca sĩ không nghĩ được chữ “ngực trăng” lại hát nhầm thành “ngực căng mới nhú”. Tôi nói: “Câu hát thế là vứt rồi, thành bậy bạ rồi!”.
- Vậy tuổi tác có làm mất đi sự trần trụi của anh?
- Có lẽ rồi nó sẽ mất đi. Còn hiện tại tôi chưa thấy mất, mà hình như đang tăng lên!
- Sau lưng người đàn ông thành đạt là người phụ nữ, nhưng hình như người phụ nữ đó không chỉ là vợ của nhạc sĩ, mà còn là một phụ nữ ở Tây Nguyên?
- Không chỉ một đâu...
- Cách đây vài năm, sau chương trình riêng ở Tây Nguyên của anh gặp một số trục trặc, có người đến chúc mừng: "Đêm nay vẫn là một đêm hạnh phúc trọn vẹn, vì “đôi mắt đẹp” ấy đã đến đây và dõi theo suốt đêm diễn". Chuyện này thực hư thế nào?
- Tôi hạnh phúc vì một đôi mắt ư? Tôi là người tham lam, một đôi mắt sao làm tôi mãn nguyện được? (cười)
- Vậy anh lý giải thế nào về "Đôi mắt Pleiku"?
- Trong một buổi hát báo cáo có cả nhạc sĩ Văn Ký, Văn Chừng..., một cô bé rất xinh ngồi đối diện tôi. Khi nắng lên, chiếu xuống, khuôn mặt cô bé bỗng bừng lên rất đẹp. Tự nhiên tôi cảm giác đó không phải là vẻ đẹp của riêng cô gái nữa mà là vẻ đẹp của vùng đất nơi đây, và thế là Em đẹp thế Pleiku ơi, trái tim tôi như vỡ tan rồi... Lúc đó, nghệ thuật thăng hoa, cô gái chỉ là duyên cớ, như là một giọt nước làm tràn ly vậy.
- Anh rất ít khi nói đến "người đàn bà của mình". Vì sao vậy?
- Đơn giản vì vợ tôi tuổi Nhâm Dần, không thích “ăn theo” chồng. Đó cũng là điều làm tôi ngưỡng mộ cô ấy.
(Theo Thể Thao Ngày Nay)