Bà Ngô Phương Lan nói về điện ảnh tại tọa đàm Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật 80 năm qua, chiều 1/3 ở Hà Nội. Diễn giả cho rằng điện ảnh là ngành có tính đại chúng cao, phổ biến nhanh, tính thương mại cao, tiềm năng lớn trong việc thúc đẩy sự giao lưu giữa các quốc gia, dân tộc.
Theo bà Lan, công chúng hay những người làm phê bình, truyền thông hiện nay đôi khi còn lúng túng khi xác định các dòng chảy, xu thế điện ảnh mới. "Tôi quan sát thấy một số người trong nghề không coi trọng các phim Việt ăn khách, xem nhẹ, gọi đó là 'hàng chợ' chỉ mang tính giải trí. Đây là suy nghĩ chưa thấu đáo", bà Phương Lan nói. Bà lấy ví dụ hai tác phẩm Trấn Thành sản xuất là Bố già, Nhà bà Nữ, đều có doanh thu hơn 400 tỷ đồng.
Nguyên Cục trưởng Điện ảnh nhận xét: "Các tác phẩm gần gũi, mang hơi thở cuộc sống, phản ánh bức tranh của tầng lớp lao động cận đáy xã hội, truyền tải triết lý đáng suy ngẫm về gia đình, quan hệ giữa người với người. Tôi nghĩ những bộ phim có hiệu ứng xã hội lớn như vậy cần được nghiên cứu kỹ lưỡng".
Bà Phương Lan cho rằng xu hướng sáng tác mới cần đảm bảo tính dân tộc, nghệ thuật nhưng cũng phải mang tính đại chúng. "Quan điểm này sẽ giúp chuyển hướng trong việc Nhà nước đặt hàng các phim chính trị bởi các tác phẩm dù truyền tải tư tưởng lớn mà không đến được với khán giả, giá trị của chúng sẽ bị hạn chế", bà nói.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan là nhà phê bình lý luận điện ảnh, tốt nghiệp khoa Biên kịch - Lý luận phê bình ở trường Đại học Điện ảnh quốc gia Nga ở Moskva. Bà là Cục trưởng Điện ảnh từ năm 2012 đến 2018.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương - đồng tình với bà Ngô Phương Lan. Ông đặt vấn đề: "Thời kỳ điện ảnh cách mạng, có những năm Nhà nước làm tới 20 phim, gặt hái nhiều thành công, giờ chúng ta chỉ sản xuất hai, ba phim mỗi năm, đều không tạo hiệu ứng. Hiện nay, chỉ có dòng phim giải trí, thương mại có thể lôi kéo công chúng đến rạp. Đó là vấn đề những người làm trong ngành điện ảnh cần nghiên cứu trong thời gian tới. Ngoài phim truyện, phim hoạt hình cũng là địa hạt có nhiều tiềm năng phát triển".
Tại hội thảo, chung mạch trình bày với bà Ngô Phương Lan, ông Đỗ Hồng Quân nói về tính dân tộc, đại chúng trong âm nhạc nói riêng, ngành nghệ thuật biểu diễn nói chung. Ông nhắc lại tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc cuối năm 2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: "Giờ tôi không thấy có bài hát mới nào hay, đáng để nhớ cả", khiến giới sáng tác buộc phải nhìn nhận thiếu sót.
Ông Đỗ Hồng Quân nêu thực tế nền nghệ thuật những năm qua chưa có tác phẩm, tên tuổi lớn, không đáp ứng kỳ vọng của Nhà nước và nhân dân. Việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự sa sút nghiêm trọng của các loại hình dân gian, bác học; các môn hàn lâm như kịch nói, ballet, điện ảnh chưa cập nhật, giao lưu với các xu hướng đỉnh cao của thế giới. Ngoài ra, sự đầu tư cho các tài năng nghệ thuật chưa tương xứng.
Ông Quân cho rằng nhiều giá trị văn hóa bị bóp méo, làm cho thanh thiếu niên, bạn bè hiểu sai về tính dân tộc. Chẳng hạn, đa số chương trình nghệ thuật xây dựng hình ảnh văn hóa âm nhạc Tây Nguyên sôi động với cồng chiêng trong khi âm nhạc vùng này thực chất trầm lắng, có chiều sâu.
Ngoài ra, tính chuyên nghiệp trong sáng tác, biểu diễn ngày một hạ thấp, kéo theo xu thế nghiệp dư hóa, khiến thị trường xuất hiện nhiều tác phẩm nhảm nhí, lai căng, phản cảm. Ông Quân kết luận để khắc phục tình trạng trên, mỗi nghệ sĩ trước hết cần tự nâng cao trình độ, nhận thức, hiểu biết, đồng thời bám sát ba yếu tố không thể tách rời mà Đảng và Nhà nước đã đề ra trong Đề cương về văn hóa Việt Nam, đó là tính dân tộc, khoa học và đại chúng.
80 năm trước, khi đất nước trong cảnh thực dân nửa phong kiến suy thoái trầm trọng, Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng bí thư Trường Chinh khởi thảo, được Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua tháng 2/1943. Đây là văn kiện đầu tiên của Đảng về văn hóa. Dịp kỷ niệm 80 năm văn kiện ra đời, nhiều chương trình, hội thảo được tổ chức, bàn về việc phát huy tối đa sức mạnh mềm của văn hóa.
Hà Thu