Bà Lan hiện là Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện Ảnh Việt Nam - đơn vị có buổi ra mắt quốc tế ngày 7/10. Đơn vị sẽ kết nối các nhà làm phim nội - ngoại, quảng bá hình ảnh Việt Nam, tổ chức các hoạt động quay phim và sự kiện điện ảnh, cũng như nghiên cứu, cung cấp dữ liệu về sản xuất phim.
Theo bà Lan, đơn vị sẽ là cầu nối cho các nhà làm phim nước ngoài muốn đến Việt Nam, giúp họ tìm đối tác trong nước, bối cảnh ghi hình và hoàn thiện thủ tục. "Có một số người dự định quay phim ở Việt Nam nhưng không nắm thủ tục, cách tiến hành nên e dè, hoặc mất tiền 'oan' cho một số người giới thiệu. Chúng tôi sẽ giúp họ ở những khâu này. Nhiều thành viên trong hiệp hội có kinh nghiệm làm việc ở mảng quản lý phim ảnh, hoặc các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân sẵn sàng hỗ trợ cho hoạt động sản xuất phim", bà nói.
Ngoài ra, Hiệp hội sẽ xúc tiến xây dựng chính sách gia tăng ưu đãi cho đoàn phim nước ngoài đến Việt Nam. Bà Lan cho biết nhiều nước trên thế giới - ví dụ như Thái Lan - có chính sách khuyến khích (incentive) cho các đoàn nước ngoài, tức giảm thuế hay trả lại 15-25% tiền sản xuất cho ê-kíp.
"Đổi lại, phim ảnh mang đến nhiều cơ hội khai thác du lịch. Việc xây dựng cơ chế ưu đãi đoàn nước ngoài đã có từ thời tôi làm Cục trưởng nhưng chưa thể hoàn thành do một số rào cản về chính sách. Từ sau Kong: Skull Island, chưa bom tấn nào đến quay ở Việt Nam. Ba thập niên qua, chỉ có một số ít phim nổi tiếng ghi hình ở nước ta như Người tình, Đông Dương, Người Mỹ trầm lặng", bà nói.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan là nhà phê bình lý luận điện ảnh, tốt nghiệp khoa Biên kịch - Lý luận phê bình ở trường Đại học Điện ảnh quốc gia Nga ở Moskva. Bà là Cục trưởng Cục Điện ảnh từ năm 2012 đến 2018. Ở LHP Busan, bà là một trong các giám khảo của giải thưởng NETPAC, trao cho phim Hàn xuất sắc trong nhánh New Currents và Korean Cinema Today. Một số tác phẩm nổi tiếng từng thắng giải này là 3-Iron (2004, Kim Ki-duk) và The King of Pigs (2011, Yeon Sang-ho).
LHP Busan lần 24 diễn ra từ ngày 3 đến 12/10.
Ân Nguyễn