Chiều 22/4, TAND Hà Nội xét hỏi nhân chứng và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để làm rõ quá trình thoái vốn ở Sabeco và chuyển nhượng lô đất 6.080 m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM bị cáo buộc trái quy định.
Được triệu tập với tư cách người có quyền lợi liên quan, ông Phan Đăng Tuất, nguyên Chủ tịch HĐQT, phụ trách phân ban quản lý vốn nhà nước ở Sabeco cho biết doanh nghiệp này "cũng được gọi là giàu có" nhưng không có trụ sở riêng. Mỗi năm đi thuê mất chi phí hơn 20 tỷ đồng - tiền ngân sách.
"Ông thấy mình có trách nhiệm như thế nào?", HĐXX truy vấn. Ông Tuất đáp "không muốn nói là không có lỗi gì". Quá trình làm việc ông luôn đau đáu việc Sabeco phải có trụ sở riêng. Tự nhận đã quá năng nổ, nhiệt tình, ông cho rằng lẽ ra phải chờ một thời gian nhưng vì Bộ Công Thương thúc ép và tiền nộp phạt do chậm triển khai dự án mỗi tháng gần 20 tỷ đồng nên "rất nóng vội" chọn nhà đầu tư triển khai dự án tại lô đất.
"Chúng tôi tin tưởng Bộ Công Thương vì Bộ có cả vụ pháp chế và các cơ quan liên quan nên chỉ đạo thế nào thì chúng tôi làm như vậy", ông Tuất nói.
Ông Lê Hồng Xanh, nguyên Phó Tổng giám đốc Sabeco, cho hay đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương khi vào làm việc đã đánh giá Sabeco Land hoạt động không hiểu quả nên chỉ đạo cần có nhà đầu tư mới. "Từ đó, chúng tôi càng thôi thúc muốn tìm nhà đầu tư mới để sớm có trụ sở làm việc. Tất cả phải làm theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, kể cả khi họp Hội đồng quản trị, đại hội cổ đông ở Sabeco đều phải xin ý kiến", ông Xanh nói.
Như lời khai của hai người cấp trên, bà Phạm Thị Hồng Hạnh, nguyên giám đốc Sabeco, cho biết áp lực lớn nhất cũng là phải có trụ sở làm việc. Công việc chính là sản xuất bia nên Sabeco không có kinh nghiệm, thời gian để tìm hiểu về chính sách đất đai. Bởi thế bà và các đồng nghiệp "chỉ làm theo quyết sách của Bộ Công Thương và UBND TP HCM".
Ở Sabeco bà chỉ ký một số văn bản mang tính chất hành chính. Sau mỗi cuộc họp ban quản lý vốn nhà nước, ông Tuất có trách nhiệm báo cáo Bộ còn bà chỉ điều hành sản xuất kinh doanh hàng ngày.
Theo cáo buộc, ông Tuất đã ký một số văn bản báo cáo việc lựa chọn nhà đầu tư theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương để liên kết thành lập công ty cổ phần thực hiện dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng. Khi Sabeco chậm triển khai, ông Tuất và các thành viên bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Sabeco còn bị Bộ Công Thương có công văn yêu cầu yêu cầu giải thể Sabeco Land và sớm tìm nhà đầu tư mới.
Việc liên doanh với đơn vị nào cũng do lãnh đạo Bộ Công Thương quyết định. Sau khi Bộ phê duyệt chủ đầu tư mới, ông Tuất ký văn bản đề nghị UBND TP HCM chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án. Các sở, ngành sau đó tham mưu cho lãnh đạo thành phố cho thuê đất trái quy định pháp luật.
Bà Hạnh và ông Xanh được cơ quan điều tra xác định chỉ có nhiệm vụ điều hành sản xuất kinh doanh của Sabeco; phải chấp hành ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương. Vì vậy, ông Tuất, Xanh và bà Hạnh không bị đề cập xử lý hình sự.
Sai phạm ở cấp lãnh đạo Bộ Công Thương đã kéo theo vi phạm của 8 lãnh đạo, cán bộ UBND TP HCM với cáo buộc vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Tại phiên toà chiều nay, ngoài cựu phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín xin xét xử vắng mặt, 7 cựu cán bộ còn lại đều thừa nhận hành vi song mong HĐXX xem xét đến thời điểm và bối cảnh phạm tội.
Ông Lê Quang Minh (cựu trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết sau khi UBND TP HCM chuyển văn bản của Sabeco ông chỉ nhận thức được đây là dự án do Bộ Công Thương quản lý và đã có ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính. Bởi vậy ông nghĩ chỉ cần đi tổng hợp để lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan là xong. Ông Minh thừa nhận có thiếu sót khi không thực hiện theo ý kiến của lãnh đạo thành phố.
Cấp trên của ông Minh là Lâm Nguyên Khôi, cựu phó giám đốc Sở, cũng thừa nhận có thiếu sót khi không xin đủ ý kiến các bộ ngành. Tuy nhiên ông cho rằng thời điểm đó dự án có mức vốn lớn, thuộc đầu tư không có điều kiện nên buộc phải cấp giấy chứng nhận.
Bị cáo Đào Anh Kiệt, cựu giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, khai chủ trương đã có nên sở chỉ ký thừa uỷ quyền để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. "Nhiệm vụ lúc đó của tôi lúc đó chỉ quy tắc hành chính để hoàn thiện hồ sơ. Tuy nhiên nếu xét toàn diện thì mình có sai phạm nên mong toà xem xét để có sự công bằng", ông Kiệt nói.
Cáo trạng xác định, các bị cáo Khôi và Minh biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng đã được sắp xếp cho Sabeco xây dựng công trình 6 sao gồm trung tâm thương mại, hội nghị, văn phòng cho thuê. Tuy nhiên khi chưa lấy ý kiến liên ngành mà đã theo chỉ đạo của ông Nguyễn Hữu Tín để đề xuất thành phố chấp thuận cho Sabeco Pearl thuê đất trái pháp luật, thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Ông Kiệt biết rõ Sabeco phải nộp tiền xong và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới được dùng sổ đỏ đó để góp vốn vào Sabeco Pearl. Trong trường hợp Sabeco không có khả năng thực hiện thì thành phố phải thu hồi khu đất và tổ chức đấu giá theo quy định. Tuy nhiên, ông Kiệt và các đồng phạm đã tham mưu để lãnh đạo thành phố cho Sabeco Pearl thuê khu đất 6.080 m2 tại 2-4-6 Hai Bà Trưng không qua đấu giá, trái quy định về đất đai.
Giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm ban hành quyết định cho thuê là 1.000 tỷ đồng, trong khi thực tế 3.800 tỷ đồng. Ông Hoàng sau đó chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn) trong dự án này để doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh.
Từ đây, Sabeco hoàn tất chuyển quyền quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước tại khu đất này sang tư nhân. Việc này bị xác định là trái pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 2.700 tỷ đồng.
Dự kiến trong một tuần từ ngày 22/4, TAND Hà Nội xét xử cựu bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng Phan Chí Dũng, cựu Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ, về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 điều 219 Bộ luật Hình sự.
8 bị cáo còn lại nguyên là cán bộ, lãnh đạo TP HCM bị xét xử về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, theo khoản 3 điều 229.