![]() |
Nguyễn Văn Tính, Dương Công Hiệp, Hồ Tùng Lâm và Trần Kim Long (từ trái qua). Ảnh: N.H. |
Theo bản án sơ thẩm, Phạm Thị Tuyết Lan đã cấu kết với nguyên chủ tịch quận Trần Kim Long, Phó phòng quản lý đô thị Dương Công Hiệp và lãnh đạo Công ty địa ốc Gò Môn để ký kết hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp trái pháp luật, thu lợi và chia nhau hơn 16 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trả lời thẩm vấn, chủ tịch Long cho rằng, không hưởng lợi gì từ khoản tiền trên, không biết bà Lan có đất và cũng không chỉ đạo việc mua bán này. Khi được hỏi về mối quan hệ "chị em kết nghĩa" với Lan, sau vài lời quanh co, Long thừa nhận "có xuống nhà Lan ăn nhậu... và đặc biệt là khi có lãnh đạo ở trên đến, gọi là phải có mặt ngay". Tòa truy lãnh đạo đó là ai thì Long ấp úng "không dám nói", và về sau mới tiết lộ "Lan là chị ruột của đồng chí ấy".
Về phần "chia chác", Dương Công Hiệp, nguyên phó phòng quản lý đô thị quận có lời khai: Sau hợp đồng thứ nhất mua hơn 8ha, Lan đến nhà và nhờ Hiệp chuyển cho chủ tịch Long gói tiền 400 triệu đồng căn cứ vào tỷ lệ Long được hưởng là 5.000 đồng/m2. "Vì nhà anh Long làm đại lý bưu điện nên anh nhờ tôi khi nào Lan đưa quà thì nhận dùm... Sau khi có tiền, anh Long bảo tôi đưa trước 250 triệu đồng", Hiệp khai thêm. Đáp lại, Long một mực chối bỏ. Chủ tọa, Huỳnh Lập Thành truy: "Bị cáo và Hiệp chơi thân với nhau như anh em, từ chuyện cây cảnh hư, sửa chữa lại nhà hay chuyện giỗ chạp... chuyện gì cũng gọi Hiệp. Không lẽ Hiệp vu oan cho bị cáo?" rồi quay sang hỏi Hiệp: "Có sức chơi mà không có sức chịu phải không?", Hiệp đáp "dạ".
Về hợp đồng thứ hai chuyển nhượng gần 3ha, tòa đã thẩm vấn Lê Minh Châu, giám đốc Công ty Gò Môn về khoản tiền 1 tỷ đồng Châu nhận từ Lan để giao cho Trần Kim Long. Trước đó, tại cơ quan điều tra, Châu từng khai chi tiết việc Long yêu cầu dùng khoản tiền này để đầu tư vào dự án nhà ở mà công ty Gò Môn đã nhận chuyển nhượng từ ông Nguyễn Quang Hướng Dương. Thế nhưng , tại phiên tòa Châu phủ nhận lời khai này. Còn chủ tịch Long vẫn tiếp tục điệp khúc "không biết vì đó là đất của bố và vợ", dù trước đó, Long lại có lời khai đã "đưa cho chú Châu 610 triệu đồng, 230 triệu còn lại chú Châu bù vào".
Trong khi đó, phó giám đốc Hồ Tùng Lâm nhiều lần khẳng định lấy tiền của Châu đem xuống nộp thủ quỹ công ty để lấy ra một phiếu thu tên Nguyễn Bạch Nga (vợ Long), trong đó thể hiện bà Nga đã nộp số tiền 840 triệu đồng cho công ty dù vợ chồng ông Long không trực tiếp đi nộp tiền. Chủ tọa nhận định: "Lời khai của các bị cáo đầy mâu thuẫn... Biên bản đối chất thì kỳ lạ, khi để người không nhận khai trước, người nói nhận lại khai sau nên Long khai gì, Châu cứ thế gật đầu cho khớp là xong. Cơ quan điều tra đã thiếu sót vì không làm rõ được".
Đối với hành vi "chạy án" khi những sai phạm trên đang được điều tra, lời khai của Châu, Lâm cho thấy: chính Trần Kim Long đã liên hệ với ông Nguyễn Đỗ Hùng (nhân viên Văn phòng Quốc hội phía Nam) để nhờ giúp đỡ và được ông này giới thiệu một người môi giới nhà đất là Nguyễn Minh Hoàng cho Long để "chạy" khỏi bị xử lý hình sự. Sau đó, Châu đã chi ba lần với số tiền 20 triệu đồng và 30.000 USD cho Hoàng nhưng không "làm" được gì.
Trong phiên xử phúc thẩm này, Hoàng không kháng cáo mức án 5 năm tù đã bị tuyên nhưng phải ra tòa khai nhận toàn bộ sự việc với tư cách là nhân chứng. Từng lời khai của Hoàng khiến vị chủ tọa phải thốt lên: "Chỉ là một cò đất nhưng bị án có gan trời hay sao dám chạy án cho cả bí thư, chủ tịch... Một vụ chạy chọt tày đình thế này mà các cơ quan cắt khúc ra thì sao dân không gửi đơn từ phản ứng", ông chủ tọa nói thêm. Trong khi đó, Long vẫn tiếp tục không thừa nhận mình liên quan đến vụ việc trên.
Sau Long, HĐXX tiếp tục thẩm vấn nguyên bí thư quận Nguyễn Văn Tính về hành vi "đục nước béo cò" khi dùng các tài liệu điều tra về sai phạm công ty Gò Môn để gây áp lực, buộc Lê Minh Châu và Hồ Tùng Lâm phải "chi" 800 triệu đồng cho mình. Bị cáo Tính nại rằng, mình không đòi số tiền trên mà do chỗ "anh em thân thiết nên đưa 500 triệu sửa nhà... ông ấy vẫn lo cho tôi nhiều lắm". Số 300 triệu còn lại là "Lâm đem đến nhà cho mượn".
Chủ tọa ngắt lại: "Lương của Châu chỉ hơn 6 triệu. Lâm thì gia cảnh nghèo, Châu phải cho tiền chữa bệnh cho con thì lấy đâu mà cho bị cáo mượn". Tuy vậy, Tính vẫn cho rằng , án sơ thẩm tuyên 11 năm về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là không đúng, "bị cáo không gây ảnh hưởng đối với người khác". Nhưng Tính lại không xin đổi tội danh. "Tội này lợi cho bị cáo quá rồi phải không. Nếu bỏ yếu tố gây ảnh hưởng... thì chỉ có còn lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, nhưng tội này lại không có trong bộ luật", chủ tọa truy.
![]() |
Cò đất Lan được đề nghị đi giám định tâm thần. |
Cuối buổi sáng, HĐXX dành thời gian thẩm vấn "cò" đất Phạm Thị Tuyết Lan. Thái độ và nhiều biểu hiện không bình thường của Lan buộc chủ tọa phải nhắc "nghiêm túc, đừng tạo ra trạng thái này nọ", nhưng từng câu trả lời của Lan đều rất "khôn khéo". Cụ thể, Lan thừa nhận đã sai khi mua đất chưa chuyển tên và bán cho Công ty Gò Môn, nhưng một mực phủ nhận việc cấu kết với nhóm quan chức Gò Vấp và chia nhau trên 16 tỷ lợi nhuận. "Bị cáo không cho ai đồng nào hết, sao mấy người này cứ bảo nhận... Lúc đầu bị cáo không nhận đưa tiền cho ông này mấy tỷ, ông kia mấy tỷ theo ý công an nhưng sau họ hù dọa bắt chồng bị cáo, thì bị cáo nhận đại, muốn khai đưa bao nhiêu thì đưa", Lan giải thích về lời khai tại cơ quan điều tra.
Đối với khoản tới 3 tỷ mà án sơ thẩm kết luận là Lan chia cho Hiệp trong việc chuyển nhượng hơn 11ha đất, Lan nại rằng đó là khoản trả nợ cho vợ Hiệp. Tuy nhiên khi hỏi về giấy tờ vay mượn, lãi suất, thời hạn vay, Lan đều không đưa ra được mà chỉ giải thích là "chị em tin nhau, không cần", với thái độ, cử chỉ không bình thường.
Theo trình bày của luật sư bào chữa cho Phạm Thị Tuyết Lan, sau khi Lan bị tòa sơ thẩm tuyên án tử hình, tiếp xúc với Lan trong trại giam, luật sư đã nhận thấy nhiều biểu hiện bất thường của bị cáo và đề nghị tòa cho giám định tâm thần đối với bị cáo Lan.
Sau khi hội ý, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa để triệu tập thêm một số nhân chứng nhằm đánh giá vụ án khách quan, chính xác.
Nguyễn Hải