![]() |
Bị cáo Nguyễn Bá Phong. |
Theo cáo trạng, Nguyễn Bá Phong là người trực tiếp nhận đơn của Châu Phát Lai Em để cứu xét việc Châu Phát Út chém gây thương tích anh Trát Minh Dũng. Cũng chính bị cáo Phong phê chuẩn và giao cho kiểm sát viên Đinh Duy Hưng thụ lý vụ án, trong khi Phó viện trưởng Lê Mạnh Quân mới là người được phân công mảng việc này. HĐXX hỏi: “Vì sao không giao cho Lê Mạnh Quân”. Ông Phong trả lời: “Do bị cáo nhận đơn từ sáng sớm, lúc đó anh Quân chưa vào cơ quan”. Chủ tọa hỏi tiếp: “Đây có phải là trường hợp đặc biệt phải phê chuẩn ngay không?”. “Thưa không, nhưng bản tính bị cáo cái gì làm được là làm, không chần chừ. Bị cáo làm với tinh thần khách quan vì nghĩ là để tiết kiệm thời gian…”.
Theo hồ sơ vụ án cố ý gây thương tích này, ngày 16/2/2001 Cơ quan điều tra quận 1 mới chuyển hồ sơ sang VKS đề nghị phê chuẩn lệnh tạm giam đối với Châu Phát Út. Nhưng bằng nguồn tin khác, Nguyễn Bá Phong đã biết sự việc và can thiệp ngay bằng bút phê trên “đơn xin bãi nại” ngày 15/2/2001 và chuyển cho Đinh Duy Hưng và nói: “Cố ý gây thương tích do lỗi của người bị hại trước, nay có đơn bãi nại, nếu thương tích không trầm trọng thì phân loại xử lý đề nghị công an hủy bỏ biện pháp ngăn chặn”. Khi HĐXX hỏi về hành vi này, Nguyễn Bá Phong cúi đầu im lặng.
Kết thúc điều tra, Công an quận 1 chuyển vụ án đề nghị VKS quận truy tố Châu Phát Út. Nguyễn Bá Phong lại trực tiếp nhận đơn “cứu xét giám định lại vết thương” của bị hại Trát Minh Dũng, cùng đơn của Châu Kim Hoa (chị ruột Châu Phát Út) và công văn của HTX bốc xếp số 1 do Châu Phát Lai Em đưa. Viện trưởng Phong có ý kiến chỉ đạo: “Hưng làm quyết định trưng cầu giám định lại tỷ lệ thương tật theo yêu cầu người bị hại”. Kết quả sau đó, tỷ lệ thương tật của Trát Minh Dũng giảm từ 33% (theo kết quả trưng cầu của Cơ quan điều tra) xuống 22%. Vấn đề này đã được giám định lại năm 2002, với tỷ lệ thương tật giống như kết quả giám định ban đầu là 33%. Chủ tọa hỏi: “Vì sao có quyết định trưng cầu lại tỷ lệ thương tật?”. Trả lời: “Vì bị cáo thấy người bị hại vẫn đi làm bình thường. Đơn xin giám định lại của bị hại không được Cơ quan điều tra quận 1 đáp ứng, không trả lời. VKS có quyền yêu cầu giám định lại để khách quan…”. HĐXX bác bỏ lý do này vì theo qui định, người bị hại có đơn yêu cầu giám định lại nhưng việc giám định trước đó của cơ quan điều tra không vi phạm luật tố tụng, không có nghi vấn trong kết quả giám định, thì cũng không thực hiện theo đơn yêu cầu đó.
Quá trình xử lý vụ án Châu Phát Út sau đó liên tục có sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Bá Phong. Ngày 30/3/2001, kiểm sát viên Hưng đề xuất: “Cho bị can Châu Phát Út tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú”. Viện phó Lê Mạnh Quân băn khoăn và có ý kiến: “Bị can phạm tội thuộc khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự (có tính chất côn đồ và dùng hung khí nguy hiểm), mặt khác đã có tiền án thuộc tội đặc biệt nghiêm trọng (Châu Phát Út có tiền án 17 năm tù về tội giết người từ năm 1982 -1989), báo cáo viện trưởng quyết định”. Tới tay mình, Nguyễn Bá Phong có ý kiến khác: “Trường hợp này do lỗi nạn nhân trước, không có tình tiết côn đồ, thương tích không mang tính nguy hiểm. Do đó có thể truy tố ở khoản 1. Tuy nhiên cần xin ý kiến Phòng Kiểm sát xét xử trước khi quyết định… Duyệt hủy bỏ biện pháp tạm giam”.
Thấy không bình thường, kiểm sát viên Đinh Duy Hưng đã dự thảo công văn gửi VKSND TP HCM xin ý kiến và được Nguyễn Mạnh Quân phê duyệt. Nhưng Nguyễn Bá Phong lúc đó với vị trí viện trưởng đã quyết định không cần báo cáo thành phố nữa mà chỉ đạo cho đình chỉ điều tra vụ án ngay. HĐXX hỏi: “Tại sao đã dự thảo báo cáo rồi, đã chỉnh sửa lại rồi mà không chuyển lên thành phố?”. “Thưa đó là do nhận thức của bị cáo. Bị cáo sợ chuyển lên cấp trên đánh giá là năng lực của VKSND quận 1 yếu kém. Thưa HĐXX, đó là trách nhiệm hành chính thôi, xin HĐXX xem xét”.
Trước sau, Nguyễn Bá Phong đều khẳng định mình giải quyết vụ án Châu Phát Út với thái độ vô tư, tinh thần trách nhiệm khách quan không vụ lợi cá nhân về vật chất hay tinh thần. Lỗi của Nguyễn Bá Phong chỉ là: “Qui trình tiếp dân và xử lý đơn không đúng qui chế ngành. Đó là do nhận thức của bị cáo còn yếu kém, thiếu kinh nghiệm trong xử lý án hình sự. Nhưng lúc nào bị cáo cũng bàn bạc với cấp dưới, cố gắng không để oan sai cho người dân. Bị cáo không cố ý chỉ đạo làm sai”. Chủ tọa Bùi Hoàng Danh chỉ ra rằng, Châu Phát Út đều mang tính côn đồ, sử dụng vũ khí nguy hiểm và đặc biệt tái phạm nguy hiểm. HĐXX lưu ý bị cáo Phong: “Bị cáo cần suy nghĩ lại việc làm của mình, vi phạm chỗ nào bị cáo tự hiểu. Còn cáo trạng có ghi oan sai cho bị cáo không thì HĐXX sẽ xem xét trong phần nghị án”. Đại diện VKS giữ quyền công tố nói: “Những lời khai của bị cáo tại tòa đứng trên phương diện của ngành kiểm sát là không chấp nhận được”.

Bị cáo Châu Phát Út.
Châu Phát Út có hai người anh cùng là bị cáo trong vụ án Trương Văn Cam là Châu Phát Lai Anh và Châu Phát Lai Em. Cả 3 anh em đều là đàn em thân tín của Năm Cam với địa bàn hoạt động là chợ đầu mối Cầu Ông Lãnh. Khi được hỏi về bản cáo trạng liên quan đến mình, Châu Phát Út trả lời: “Bị cáo không biết chữ nên không đọc được cáo trạng”. “Vậy có ai đọc cho bị cáo nghe chưa?”. “Dạ có”. Về hành vi dùng dao chém Trát Minh Dũng đêm 21/11/2000 tại chợ cá Cầu ông Lãnh, Út khai: “Cả hai đang làm việc cùng nhau thì có cự cãi. Dũng đẩy người làm bị cáo té. Lúc đó bị cáo chống tay ngồi dậy và quơ dao chặt cá chém vào người Dũng... Đó cũng là một sự bốc đồng của bị cáo chứ không có chủ đích”. Kiểm sát viên giữ quyền công tố đã bác bỏ lời biện hộ này.Liên quan đến vụ gây thương tích anh Trần Văn Minh, bị cáo Đinh Tuấn Huy lúc đầu loanh quanh, cho rằng không phải mình chém mà chỉ vì trong lúc có xô xát quơ bừa tay dao. Tuy nhiên sau khi HĐXX lấy lời khai của người bị hại là Trần Văn Minh và hỏi lại thì Đinh Tuấn Huy lí nhí: “Bị cáo nghĩ mình dại dột, lỡ lầm, bây giờ nhận tội chém người gây thương tích”. Vụ này cũng liên quan đến Châu Phát Út. Bị cáo Út khai: “Do có sự cãi cọ nhau giữa con trai Lai Anh và em trai Trần Văn Minh, bị cáo can ngăn và anh Minh có nói câu thách thức nên bị cáo bực quá mới ra tay”.
![]() |
Bị cáo Châu Phát Lai Em. |
Cuối ngày, bị cáo Châu Phát Lai Em ra trả lời trước HĐXX về hành vi giết người ngày 26/12/1987. Lai Em không phản đối gì về bản cáo trạng nhưng trả lời lòng vòng về sự việc. Lúc Lai Em nói đâm nạn nhân Đổng Chí Nam bằng tay phải, lúc nói tay trái. Lúc khác Lai Em nói dao gây án là của một người bán hàng rong, trong khi lời khai tại Cơ quan điều tra thì dao là của Đổng Chí Nam. HĐXX sẽ công bố lời khai tại cơ quan điều tra của bị cáo này vào ngày mai.
Sáng mai, tòa tiếp tục thẩm vấn bị cáo cuối cùng trong vụ án này là Lâm Xuân Phát. Trong vụ án này còn có sự tiếp tay của điều tra viên Nguyễn Minh Tuân, nhưng đã được VKSND Tối cao ra quyết định miễn truy tố vì hết hạn điều tra.
Nghĩa Phương