Hoài, 23 tuổi, ở huyện Giao Thủy, đã bị Công an tỉnh Nam Định bắt ngày 29/9 về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cảnh sát cáo buộc, Hoài thấy trên mạng có một số người làm công tác thiện nguyện cho trẻ sơ sinh thu hút lượng ủng hộ lớn nên lợi dụng việc này để lừa đảo. Cô ta lập Facebook "Mai Mai" với slogan "Bảo vệ mạng sống cho các con" và mạo nhận làm việc ở phòng khám.
Hoài lấy hình ảnh trẻ em tử vong, thai nhi xấu số... đăng lên Facebook và kêu gọi gửi tiền giúp đỡ những bé có hoàn cảnh khó khăn hoặc mua đất, vật liệu xây mộ phần.
Nhà chức trách cho hay, từ tháng 11/2020 đến 5/2021, tài khoản "Mai Mai" có hàng nghìn lượt tương tác và 688 nhà hảo tâm gửi 261 triệu đồng. Hoài đã chiếm đoạt số tiền này.
Cũng lợi dụng hình ảnh trẻ em để lừa đảo tiền từ thiện, Trần Văn Lâm, 23 tuổi, ở Hà Nam lập 7 fanpage gồm "Quỹ bảo trợ trẻ em", "Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam", "Phật tại tâm", "Chia sẻ yêu thương kết nối yêu thương", "Quan thế âm bồ tát", "Chia sẻ yêu thương", "Kết nối yêu thương".
Lâm lấy những bài báo về các trường hợp thương tâm đăng vào fanpage và chèn số tài khoản của mình vào để các nhà hảo tâm gửi tiền ủng hộ. Riêng trang "Hỗ trợ trẻ em" có gần 250 bài viết kêu gọi giúp đỡ bệnh nhân khó khăn, chủ yếu là hoàn cảnh của các cháu nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo.
Nhà chức trách cáo buộc đã có hàng nghìn nhà hảo tâm mắc lừa, gửi hơn 6,6 tỷ đồng cho Lâm và bị chiếm đoạt. Trên thực tế, những hoàn cảnh khó khăn không nhận được tiền. Lâm bị bắt vào tháng 5 vừa qua.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng việc sử dụng hình ảnh trẻ em dễ chạm đến lòng trắc ẩn của nhiều người, nhất là phụ nữ. Thấy một em bé khó khăn, chị em có thể nghĩ ngày xưa mình cũng nghèo đói; con mình đầy đủ mà các cháu khổ quá... nên "ủng hộ ngay, không cần kiểm chứng".
Mỗi người dù gửi ít tiền nhưng số ủng hộ rất đông nên kẻ lừa đảo có thể chiếm đoạt lượng tiền lớn. Nạn nhân sau đó chắc chắn sẽ có tâm lý nghi ngờ với những trường hợp cần giúp đỡ khác. "Điều nguy hại do những kẻ lừa đảo gây ra là sẽ làm giảm lòng tin của xã hội, bởi thực tế có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn thật sự", bà Tuý nói.
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) từ đầu năm 2021 liên tiếp phát hiện các trường hợp tạo lập trang mạng xã hội với danh nghĩa từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của các nhà hảo tâm.
Thủ đoạn lừa phổ biến là tạo các trang mạng xã hội rồi đăng tải bài viết, ngụy tạo nội dung không có thật về một số hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Chúng cũng có thể giả mạo các tổ chức làm từ thiện được cấp phép, đăng tải các bài viết kêu gọi cộng đồng giúp đỡ. Tinh vi hơn, một số kẻ còn sử dụng những bài báo viết về hoàn cảnh khó khăn để dẫn nguồn trên fanpage rồi cài số tài khoản của mình nhằm tiếp nhận ủng hộ.
Bộ Công an khẳng định sẽ xử lý nghiêm những kẻ lợi dụng lòng tin của người dân để lừa đảo tiền từ thiện. Ngược lại, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện và yêu cầu công khai, minh bạch các trường hợp cần giúp đỡ. Nhà hảo tâm nên liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện để kiểm chứng thêm.
Theo luật sư Bùi Phan Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có khung hình phạt tù từ 3 năm tới chung thân nhưng nếu lợi dụng kêu gọi từ thiện để phạm tội sẽ tăng tặng trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, kẻ lừa đảo thường người kêu gọi ủng hộ nhiều đợt, nhiều nhà hảo tâm gửi tiền. "Do đó, họ có thể chịu thêm tình tiết tăng nặng là phạm tội 2 lần trở lên", luật sư cho hay.
Song Minh