Ngày 5/12, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết người phụ nữ nhập viện trong tình trạng lơ mơ, đồng tử giãn hai bên.
Thông tin với bác sĩ, người nhà cho biết bệnh nhân ăn bỏng ngô được người con đặt mua trên mạng, sau một tiếng thì gặp triệu chứng như trên. Kết quả xét nghiệm nước tiểu phát hiện chất THC - một thành phần của cần sa.
Bệnh viện chẩn đoán người phụ nữ bị ngộ độc, xử trí cấp cứu. Hiện bà đã qua cơn nguy kịch, đang được điều trị tích cực.
Bác sĩ Nguyên cho biết đây là lần đầu tiên đơn vị tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc cần sa sau khi ăn bỏng ngô. Trước đó, trung tâm đã tiếp nhận nhiều ca ngộ độc cần sa trong bánh ngọt, bánh quy, kẹo, thuốc lá điện tử, thuốc lào...
Theo bác sĩ Nguyên, hiện có nhiều loại ma túy mới được trộn vào thực phẩm, đồ ăn, thức uống. Các sản phẩm này len lỏi công khai trong đời sống hàng ngày, nhằm gây nghiện, lôi kéo, mở rộng số người sử dụng. Bên cạnh đó, việc quản lý mua bán online chưa chặt chẽ khiến các sản phẩm phát tán nhanh chóng.
"Người dân cần hết sức cảnh giác khi mua, bán thực phẩm trên mạng, chỉ mua các sản phẩm được xác định nguồn gốc, xuất xứ, có nhãn mác tin cậy", bác sĩ Nguyên khuyến cáo.
Gần đây, nhiều vụ ngộ độc cần sa đã được phát hiện và cảnh báo. Hồi tháng 6, Công an Hà Nội phát hiện, thu giữ một số loại ma túy được ngụy trang dưới dạng chocolate ghi nhãn hiệu Chill Max bán công khai trên mạng xã hội. Có 5 người đã nhập viện điều trị sau khi ăn phải chocolate này. Vào tháng 4, Công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) phát hiện các loại gói bột pha nước giải khát, có mùi thơm kích thích và chứa ma túy, gọi là nước nho, xoài, dâu, đông trùng...
Chi Lê