Người bệnh được đưa đến trung tâm y tế huyện sơ cứu và chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, hôm 9/4. Khi nhập viện, bệnh nhân hôn mê, suy hô hấp, tụt huyết áp, yếu tứ chi, vã mồ hôi, chân tay lạnh.
Ê kíp đặt nội khí quản thở máy, bơm rửa dạ dày, truyền dịch, dinh dưỡng qua đường truyền tĩnh mạch. Bác sĩ Hoàng Công Tình, khoa Hồi sức Tích cực, cho biết trong chất nôn và dịch rửa dạ dày của bệnh nhân có lẫn lá ngón. Tuy nhiên, gia đình không tiết lộ người phụ nữ ăn loại lá này trong hoàn cảnh nào. Hiện, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
Lá ngón (còn gọi cây rút ruột) thuộc dòng họ cây mã tiền, lá nhỏ (giống lá trầu), hoa màu vàng. Trong lá ngón chứa một chất kịch độc là alkaloid - có thể khiến người ăn phải tử vong ngay lập tức.
Theo bác sĩ Tình, người dân ở vùng núi có thói quen sử dụng các loại rễ, lá cây rừng như một loại thuốc tăng cường sức khỏe, giải nhiệt, do đó dễ hái nhầm lá có chất độc. Về mặt hình thức, lá ngón rất giống nhiều cây thuốc và rau, nên dễ dẫn đến nhầm lẫn.
Người bị ngộ độc lá ngón thường có các triệu chứng như khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, sau đó tim đập yếu, khó thở, đồng tử giãn và tử vong rất nhanh do ngừng hô hấp.
Khi phát hiện nạn nhân bị ngộ độc lá ngón, mọi người cần nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể họ bằng các biện pháp gây nôn. Chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để rửa dạ dày, uống than hoạt tính, truyền dịch, điều trị giải độc.
Thúy Quỳnh