Sau ba lần lùi lịch, CAN 2021 được chốt diễn ra từ 9/1 đến 6/2/2022. Nhưng hiện có nhiều yêu cầu tiếp tục hoãn giải vì những xung đột tại nước chủ nhà Cameroon.
Giải đấu tới có sự tham gia của hơn 40 cầu thủ đang thi đấu tại Ngoại hạng Anh. Trong số này có những ngôi sao như Thomas Partey, Nicolas Pepe và Mohamed Elneny của Arsenal, Trezeguet của Aston Villa, Edouard Mendy của Chelsea, Wilfried Zaha của Crystal Palace, Riyad Mahrez của Man City và bộ ba Liverpool Mohamed Salah, Sadio Mane, Naby Keita.
Theo báo Anh Sportmail, ban tổ chức chưa tính đến khả năng tiếp tục hoãn CAN 2021, bất chấp nỗi lo ngày càng tăng về việc các đội tham dự và giải đấu có thể trở thành mục tiêu trong một cuộc xung đột bạo lực tại Cameroon.
Hầu hết thảo luận xung quanh CAN 2021 đều tập trung vào ngày hội quân của các ngôi sao đang thi đấu tại châu Âu, cũng như rủi ro và biện pháp khi mắc Covid-19.
Tuần này, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Phi (CAF) Patrice Motsepe gặp Tổng thống Cameroon Paul Biya, và khẳng định CAN 2021 sẽ diễn ra theo kế hoạch.
Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền lo ngại sự an toàn của các cầu thủ và nhân viên góp mặt tại CAN 2021. Họ khuyên ban tổ chức nên hoãn giải, hoặc ít nhất không tổ chức các trận đấu tại khu vực Tây Nam - nơi được coi là nguy hiểm nhất.
Bạo lực bùng phát lần đầu tiên cách đây bốn năm giữa các nhóm ly khai ở miền tây nói tiếng Anh của quốc gia Trung Phi - được gọi là "Vùng văn hóa tiếng Anh" - với Chính phủ của người nói tiếng Pháp, cộng đồng Pháp ngữ và Cameroon.
Xung đột leo thang mạnh trong năm nay, và các nhà hoạt động nhân quyền cho biết đã có 80 quả bom được kích nổ ở "Vùng văn hóa tiếng Anh" - kể từ tháng Giêng, và đã có nhiều người thiệt mạng, bao gồm cảnh sát, binh lính, dân thường và một bé gái năm tuổi. Một khu vực lớn ở tây nam Cameroon hiện bị giới nghiêm vào ban đêm.
Ngay cả linh vật của giải đấu - Sư tử Mola - cũng phải mặc áo chống đạn tại quê nhà Cameroon, khi đi diễu hành tại khu vực xung đột tuần trước. Mola - có nghĩa là bạn, anh cả hoặc chú - cũng được hộ tống bởi quân đội.
Rebecca Tinsley, một nhà nghiên cứu nhân quyền và là thành viên của Chiến dịch Toàn cầu vì Hòa bình và Công lý ở Cameroon nói với Sportsmail: "Hiện có nhiều người kêu gọi hoãn CAN 2021 đến khi các bên tham chiến ngừng xung đột và tham gia đàm phán hòa bình".
Khả năng CAN 2021 hoãn là không cao, khi Chính phủ không muốn đàm phán hòa bình.
Một trong sáu sân vận động tổ chức CAN 2021 - Limbe - là sân duy nhất nằm ở "Vùng văn hóa tiếng Anh". Hai sân khác ở Bafoussam và Douala nằm ở biên giới, và cũng có thể trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ quá khích. "Nguy cơ cao xảy ra những cuộc tấn công ở những sân tổ chức CAN 2021, đặc biệt là ở Limbe", Tinsley nhấn mạnh.
Với sức chứa 20.000 chỗ ngồi, sân Limbe sẽ tổ chức sáu trận đấu vòng bảng. Tuyển Mali - với tiền vệ Yves Bissouma của Brighton và Moussa Djenepo của Southampton - là một trong sáu đội sẽ đá vòng bảng ở sân Limbe, cách thủ đô Yaounde hơn 30 kilomet. Sau đó, sân Limbe dự kiến sẽ tổ chức hai trận thuộc vòng 16 đội. Bốn trong số 24 quốc gia dự giải, vì thế, có khả năng phải thi đấu ở điểm nóng xung đột.
"Các CLB Anh nên thận trọng khi đưa các cầu thủ vào một tình huống rất bất ổn. Có những mối nguy hiểm thực sự", Tinsley nói thêm. "Bạn chỉ cần nhìn vào những gì các dân quân vũ trang và các nhóm ly khai đã làm. Chúng đã cho nổ hơn 80 thiết bị, và ngày càng trở nên tinh vi hơn trong chiến thuật".
Hiệp hội các CLB châu Âu (ECA) đã viết thư cho CAF, nhưng chủ yếu bày tỏ quan điểm về rủi ro trong bối cảnh Omicron lây lan, và dọa ngăn không cho các cầu thủ trở về dự CAN 2021.
Tuy nhiên, những người hiểu Cameroon đều cho rằng xung đột và bạo lực hiện là mối lo lớn hơn Covid-19, tại quốc gia đăng cai CAN 2021. Các mối đe dọa đã xuất hiện rộng rãi trên mạng cảnh báo chính quyền Cameroon không tổ chức các trận đấu ở phía tây đất nước, khu vực mà phe ly khai gọi là Ambazonia. Chính những người ly khai cũng cảnh báo các cầu thủ không đến đây thi đấu.
Các nhà hoạt động nhân quyền khẳng định những lời đe dọa là có thật, đồng thời khẳng định phe ly khai không từ thủ đoạn nào để xâm phạm an ninh tại các sân vận động, khách sạn và nhà hàng.
Một nhà hoạt động nhân quyền giấu tên nói với Sportsmail: "Phe ly khai rất nguy hiểm. Họ xem CAN 2021 là cơ hội duy nhất, khi các phương tiện truyền thông thế giới sẽ đến gần khu vực của họ. Họ sử dụng khủng bố, đe dọa, bắt cóc và sử dụng thiết bị nổ tự tạo, vì điều đó gây chú ý lớn. Lực lượng Chính phủ có đủ thẩm quyền để ngăn chặn điều này, nhưng họ không làm điều đó".
Hồi tháng Giêng, sân Limbe đã được nhắm đến khi tổ chức giải vô địch các quốc gia châu Phi (CHAN), một giải đấu nhỏ hơn CAN với sự góp mặt của các cầu thủ từ các giải quốc nội của châu Phi. Nhiều xe đã phát nổ ở khu vực gần sân vận động. Một trong những trung tâm của cuộc xung đột là thành phố Buea, cách Limbe khoảng 20 kilomet.
Các thiết bị nổ cải tiến ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong năm 2021, đặc biệt là trong hai tháng qua, khi bạo lực gia tăng.
Một quả bom đã được ném vào một khu giảng đường tại Đại học Buea khiến 11 sinh viên bị thương, một người khác giết chết một tài xế taxi. Hồi tháng Mười, một đứa trẻ năm tuổi - Louise Ndialle - đã bị bắn chết bởi một cảnh sát - người bị một đám đông giam giữ trong cuộc bạo động sau đó.
Xung đột chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi những kẻ ly khai thì được cho đã cướp xe buýt công cộng, đánh đập và tra tấn hành khách.
Xa hơn về phía tây, tại thị trấn Ekondo Tiki, các tay súng đã tấn công một trường học hồi tháng 11, giết chết ba học sinh và một giáo viên.
Cách Buea - thủ phủ của Vùng Tây Nam của Cameroon - hơn 80 kilomet, ngay gần "Vùng văn hóa tiếng Anh" là Douala - thành phố lớn nhất Cameroon gồm những người nói tiếng Pháp, nơi có sân Japoma với sức chứa 50.000 chỗ ngồi. Đây là sân tổ chức các trận của Bờ Biển Ngà tại vòng bảng CAN 2021.
Bờ Biển Ngà đã công bố danh sách dự giải hôm 23/12, với những ngôi sao như Eric Bailly của Man Utd, Maxwel Cornet của Burnley, Wilfried Zaha của Crystal Palace, Willy Boly của Wolves và Nicolas Pepe của Arsenal.
Khu vực Tây Bắc của Cameroon, giáp với Tây Nam, cũng bị tàn phá bởi bạo lực. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã ghi lại các vụ bạo hành khủng khiếp của quân ly khai và quân đội, bao gồm giết người, chặt đầu và phá hủy nhà cửa và tài sản. Linh vật của CAN 2021, sư tử Mola, đã phải mặc áo chống đạn khi tới thị trấn Bamenda ở khu vực Tây Bắc này.
Chỉ qua một biên giới khu vực khác với khoảng cách hơn 80 kilomet, là sân thứ ba tổ chức CAN 2021 tại Bafoussam. Sân Kouekong, với sức chứa 20.000 khán giả, sẽ tiếp đón Senegal - đội tuyển có nhiều ngôi sao đang chinh chiến tại Ngoại hạng Anh. Có thể kể đến Sadio Mane của Liverpool, Edouard Mendy của Chelsea, Cheikhou Kouyaté của Crystal Palace, Nampalys Mendy của Leicester City và Ismaila Sarr của Watford.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ghi nhận nhiều vụ bạo hành ở miền tây Cameroon, dẫn đến việc 700.000 người phải di cư sang các nước láng giềng. Tổ chức này lo ngại về sự an toàn tại CAN 2021, đặc biệt là gần khu vực sân Limbe, và khuyên không nên tổ chức các trận trên sân đấu này.
Ilaria Allegrozzi, nhà nghiên cứu cấp cao của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, chuyên về Cameroon, cho biết: "Chúng tôi đã ghi nhận nhiều vụ bạo lực ở khu vực Tây Nam và chính quyền Cameroon cùng CAF có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho giải đấu, sân vận động, cầu thủ và quan chức. Nếu bất kỳ địa điểm nào ở Tây Nam đều có nguy cơ, thì trận đấu nên được chuyển đến một sân đấu khác an toàn hơn. Không nên tổ chức trận đấu nào ở Vùng văn hóa tiếng Anh".
Dù vậy, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền không ủng hộ hoãn CAN 2021. Allegrozzi nói thêm: "Giải đấu là sự kiện bóng đá lớn của châu Phi. Các CLB ở châu Âu và những người hâm mộ có thể tận dụng cơ hội này để tìm hiểu thêm về Cameroon, và tình hình ở Vùng văn hóa tiếng Anh. Không nên tước quyền đăng cai của Cameroon, hay trì hoãn, hủy giải đấu. Hãy lên tiếng phản ánh những gì đang diễn ra ở đất nước này, những đau khổ, sự di dời, cuộc khủng hoảng nhân đạo".
Hồng Duy (theo Sports Mail)