Ngay sau ngày Hy Lạp đón nhận thông báo về gói cứu trợ 110 tỷ euro từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào hôm 4/5, các thị trường châu Âu và Mỹ đã trải qua chuỗi ngày biến động tồi tệ. Đồng euro chạm mức 1,3031 so với đôla Mỹ vào ngày 4/5 - thấp nhất trong vòng một năm và cho đến hôm qua chỉ còn 1,2790 USD.
Bối cảnh các thị trường chủ chốt sụt giảm cho thấy người ta vẫn chưa ngớt lo lắng cho tình hình khủng hoảng Hy Lạp hiện nay. Lãi suất trái phiếu chính phủ tăng liên tục trong nhiều ngày qua tại hầu hết các nước thuộc khu vực Nam Âu đã vẽ ra viễn cảnh “nợ chồng chất nợ” cho nhiều nước lân cận Hy Lạp, bất chấp EU và IMF nỗ lực thu vén khủng hoảng nợ trong phạm vi Hy Lạp.
Gói cứu trợ được The Economist đánh giá là khoan dung và rộng rãi đối với Hy Lạp – nước nghèo nhất châu Âu và gần như tê liệt khả năng trả nợ. Tuy nhiên một số chuyên gia kinh tế cho rằng chưa thể đánh giá được hiệu năng giải quyết hiểm họa vỡ nợ cho chính phủ Hy Lạp từ gói cứu trợ này. Lãi suất khoản cứu trợ của EU và IMF cho Hy Lạp là 5%, thấp hơn so với lãi suất thị trường trên 7% hiện nay, nhưng vẫn cao hơn so với ước tính tỷ lệ tăng trưởng GDP năm nay của Hy Lạp. Do đó, việc Hy Lạp nhận gói cứu trợ chỉ là chiến lược mua thêm thời gian của EU nhằm giúp nước này xoay sở tạm thời, nhưng về lâu dài khó có thể đảm bảo Hy Lạp sẽ thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ nếu như tăng trưởng GDP vẫn èo uột.
Khủng hoảng nợ công Hy Lạp mặc dù vẫn còn gây ám ảnh nhiều quốc gia lân cận, cũng như khiến nhiều viên chức Hy Lạp tỏ thái độ bất bình, nhưng thương vụ của Hy Lạp vẫn chưa phải là to tát đối với EU và IMF. Bồ Đào Nha cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn không kém, nhưng khả năng vỡ nợ của nước này có thể được giới hạn thấp hơn so với Hy Lạp.
Chú 'bò tót' Tây Ban Nha có thể phải cầu viện tới nguồn lực bên ngoài. Ảnh: Reuters. |
Xem xét mạng lưới nợ công phủ 5 nước Hy Lạp – Ireland - Tây Ban Nha – Bồ Đào Nha – Italy, The New York Times đánh giá nguy cơ thực sự nằm ở Tây Ban Nha và Italy. Nợ công của Tây Ban Nha là 1,1 nghìn tỷ USD và Italy là 1,4 nghìn tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 236 tỷ USD của Hy Lạp, 286 tỷ USD của Bồ Đào Nha và 867 tỷ USD của Ireland.
Hôm qua thị trường lan truyền tin đồn về khả năng Tây Ban Nha sẽ sớm cầu viện EU 280 tỷ euro để bù đắp thâm hụt nợ công. Thông tin này lại một lần nữa cắt vào “vết thương” khủng hoảng chưa kịp lành của Hy Lạp và bồi đắp thêm mối quan ngại về hệ thống tài chính châu Âu. Tin đồn được khuếch trương sau khi chỉ số chứng khoán hàng đầu Ibex của Tây Ban Nha giảm 5,4% và hãng đánh giá định mức tín nhiệm Standard & Poors cắt giảm mức tín nhiệm của nước này từ mức AA+ xuống còn AA.
Lãi suất trái phiếu của Tây Ban Nha cũng biến động tăng cùng chiều với lãi suất trái phiếu của Hy Lạp và Bồ Đào Nha, đồng thời lợi tức trái phiếu đảm bảo khả năng vỡ nợ của các nước này cũng tăng lên, cho thấy Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ buộc phải vào cuộc giải nguy. ECB có thể sẽ phải mua trái phiếu chính phủ của các nước trong khu vực sử dụng đồng tiền chung euro để khôi phục niềm tin của các trái chủ, nếu như việc tái cơ cấu nợ Hy Lạp đặt trái chủ vào hoàn cảnh thua lỗ.
Tuy nhiên, Thủ tướng Tây Ban Nha ông José Luis Rodríguez Zapatero đã lên tiếng bác bỏ tin đồn trên. The Times dẫn phát biểu của ông Zapatero rằng “tin đồn kiểu này có thể dẫn tới định kiến và đe dọa quyền lợi của đất nước chúng tôi”.
Thực hư về tin đồn và nhu cầu huy động vốn trên thực tế của Tây Ban Nha dù có hay không cũng sẽ khiến nước này phải lao đao. Nếu lãi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục tăng trong thời gian tới, sẽ là dấu hiệu cho thấy rủi ro nợ công của nước này gia tăng. Vấn đề đặt ra là liệu Tây Ban Nha có thể vượt qua nguy cơ vỡ nợ bằng con đường cắt giảm chi tiêu và kích thích tăng trưởng kinh tế, là hai vấn đề mà Hy Lạp bế tắc để tự giải quyết tình hình nợ quốc gia trước khi cầu viện từ EU.
Ngọc Ngân