Bến Tam Soa thuộc xã Tùng Ánh, huyện Đức Thọ - nơi giao điểm của nhánh sông La, sông Ngàn Sâu tạo nên những mỏ cát khổng lồ. 1 m3 cát dưới sông giá 7.000 đồng, hút lên bờ 12.000 đồng. Mỗi ngày hai chuyến, trừ chi phí, công xá, ông chủ thầu cát thu về gần 200.000 đồng. Đây chính là nghề được cho là "ngon ăn" nên chỉ vài ba bến cát trong xã đã có 150 chiếc thuyền lớn nhỏ từ các ngả sông dồn về để mỗi ngày hút một khối lượng cát không nhỏ (khoảng 900 m3 cát).
Qua bến Tam Soa đến bến Trung Lương đâu đâu cũng thấy cảnh hút cát nhộn nhịp, khẩn trương như công trường xây dựng lưu động. Dưới sức sóng tạo ra từ những vòi hút cát, hai bên bờ sông đã nứt ra toang hoác rồi đổ sụp xuống để trơ những hàm ếch sâu hoắm. Nhiều tay thợ còn dí những cái vòi hút cát vào tận mép bờ đê La Giang dưới chân cần chợ Thượng và nhiều kè cống trọng điểm khác.
Đê La Giang - một con đê trọng yếu của tỉnh Hà Tĩnh dài 19 km, nhưng có đoạn thân đê rất yếu bởi dưới chân toàn cát. Năm 1996 con đê này bị sạt lở 50 m, có hàng trăm ha hoa màu bị cuốn trôi. Năm 1998 do chân đê bị hổng, hàng chục mét đất bị tụt. Năm 2002 lại có thêm 200 ha đất canh tác và ngụ cư bị sạt lở... Tuy vậy cát dưới chân đê La Giang vẫn ngày đêm bị hút. Trạm trưởng trạm Đường sông Phan Đình Tú nói: "Tại km 9-10-13 cơ đê rất yếu vì thân đê nằm sát mép sông, mỗi ngày có khoảng 30 máy hút cát chĩa vào. Chúng tôi lo sốt vó nhưng không thể ra tay ngăn cản được vì trạm đường sông chỉ có quyền giám sát giao thông đường thuỷ".
Cát dưới chân cầu chợ Thượng (cầu đường sắt Bắc Nam) cũng ngày đêm bị hút vô tội vạ. Ông Trần Kim Sơn, bí thư Đảng uỷ xã Tùng Ánh than: "Chỉ tính riêng năm 2001 đến nay nạn khai thác cát bừa bãi đã gây sạt lở 10 ha đất canh tác của 4 xã Thông Tư, Vọng Sơn, Hội Châu, Hà Châu làm ảnh hưởng xấu đến thân đê La Giang và xói lở nhiều kè cống. Lực lượng của xã rất mỏng không thể kiểm soát được cả ngày lẫn đêm trong khi đó dân hút cát có thể khai thác cát bất cứ lúc nào".
(Theo Nông Nghiệp Việt Nam)