Theo ông Lê Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, vết nứt, sụt lún xuất hiện ở đập và xung quanh hồ chứa nước Đăk N'Ting hôm 1/8. Đến nay, vết nứt khu vực đồi gần chân đập kéo dài khoảng 500 m, sâu khoảng 150 m và chưa có chiều hướng dừng lại.
Phần đồi bên phải đập đang bị sụt lún với diện tích khoảng 10 ha là đất hoa màu của người dân. Ước tính có gần một triệu m3 đất có nguy cơ bị sạt trượt. Thân đập cũng xuất hiện nhiều vết nứt lớn, 10-20 cm. Đường trên thân đập bị nứt gãy, phần bêtông trồi lên.
Dự án hồ thủy lợi Đăk N'Ting có tổng mức đầu tư gần 137 tỷ đồng, sức chứa hơn 1,2 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho gần 700 ha cây trồng xã Quảng Sơn. Để đảm bảo an toàn, chính quyền xã đã chốt chặn các lối ra vào đập thủy lợi Đăk N'Ting và sơ tán 34 hộ trong khu vực có nguy cơ.
"Theo tính toán nếu đập vỡ, mực nước ở khu vực hạ lưu sẽ dâng lên khoảng 2 m nên chúng tôi đang rà soát để di dời thêm 140 hộ dân ở Đăk N'Ting", ông Tuấn nói.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glong Trần Nam Thuần, cho biết hiện vết nứt phần thân đập mở rộng hơn so với hôm qua. Nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài thêm một tuần nữa, nguy cơ vỡ đập là rất cao.
"Địa phương đã chuẩn bị các phương án để ứng phó trong tình huống đập bị vỡ", ông Thuần nói và cho biết các cửa xả đập cũng được mở hết để tháo nước trong đập, hạn chế hậu quả xấu và tìm hướng khắc phục.
Liên quan đến sự cố này, tại buổi khảo sát hiện trạng hồ Đăk N'Ting sáng nay, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, nhận định tình trạng mất rừng đã làm thay đổi dòng chảy bề mặt và quá trình tưới tiêu của người dân là nguyên nhân làm dòng chảy ngầm thay đổi.
Về giải pháp, ông Hiệp đề nghị tính toán đến hạ độ cao của quả đồi bên phải hồ Đăk N'Ting có nguy cơ sạt lở và cân nhắc có nên cho dân canh tác gần đập nữa hay không. Ngoài ra, phải tính đến kịch bản vỡ đập để đảm bảo an toàn cho hạ du. Đồng thời, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo các bộ ngành phối hợp sửa lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện nay về các công trình hồ đập.
Trước đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đăk Nông Phạm Tuấn Anh, cho biết trong hơn 10 ngày qua lượng mưa trên địa bàn tỉnh đều trên 300 mm, gây ngập nhiều nhà cửa, nhất là tại TP Gia Nghĩa và các huyện Đắk Glong, Tuy Đức... Toàn tỉnh có 255 công trình thủy lợi nhưng hiện 15 công trình hư hỏng nặng, 12 hồ hư hỏng nhẹ hơn và có 8 hồ đang gây mất an toàn.
Mực nước trên các sông, suối, hồ đập những ngày qua dâng cao, lượng nước từ thượng nguồn đổ về rất lớn, gây ngập cục bộ tại nhiều khu dân cư và vùng trũng thấp. Điển hình mực nước và lưu lượng trên sông Đăk Nông (tại trạm Thủy văn Đăk Nông) tăng, xuất hiện đỉnh lũ, với mực nước 591,38 m, vượt báo động 3 vào ngày 31/7. Dự báo, những ngày tới địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 10-30 mm, có nơi trên 40 mm.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đăk Nông, đợt mưa lũ vừa qua làm 2 người chết; hơn 110 hộ dân phải di dời khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, sụt lún cao; 147 căn nhà bị ngập; 646 ha cây trồng, gần 215 ha ao nuôi bị ngập...
Trần Hóa