Lợn có thể truyền virus cúm sang người. |
Theo ông Long, thực chất việc tìm thấy cúm gia cầm ở lợn không nằm ngoài chu trình lây lan tự nhiên mà các nhà khoa học đã nghiên cứu. Thông thường, có hai đường lây. Thứ nhất, virus cúm gà trực tiếp truyền cho người, song các nghiên cứu của thế giới và Việt Nam đều khẳng định trường hợp này ít xảy ra, vì virus cúm gà khó tái tổ hợp với gene của người.
Đường lây thứ hai, virus cúm gà truyền cho một loài động vật có vú (ví dụ lợn). Tại đây, chúng tái tổ hợp với gene của virus ở lợn, tạo ra chủng mới dễ dàng xâm nhập vào người. Con đường thứ hai nguy hiểm hơn, vì virus cúm ở lợn dễ lây cho người hơn virus cúm ở gà (về mặt sinh học, lợn gần với người hơn là gà vì đều là động vật có vú).
Giáo sư Long cũng cho biết, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cũng đã thu thập một số mẫu ở lợn, nhưng chưa tìm thấy virus cúm H5N1. Ông khuyến cáo người dân không ăn bất cứ súc vật nào chết vì bệnh.
Ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng khẳng định nếu virus cúm H5N1 xuất hiện trên đàn lợn sẽ cực kỳ nguy hiểm, hậu quả khôn lường. Bởi về mặt lý thuyết, virus H5N1 từ lợn có thể dễ dàng lây sang người và từ người này có thể lây cho người khác. Mặt khác, thịt lợn là loại thực phẩm quá thông dụng, nếu bị nhiễm virus thì người dân sẽ không biết ăn gì. Đó là chưa kể việc phòng dịch, xử lý chôn lấp đàn lợn nếu mang dịch còn khó hơn nhiều lần so với đàn gia cầm.
"Tôi hy vọng việc phát hiện virus H5N1 trên lợn ở Trung Quốc chỉ là cá biệt, chứ không phải phổ biến. Hiện cả nước có hơn 20 triệu con lợn, nếu bùng phát dịch thì việc xử lý sẽ mệt hơn nhiều so với gà", ông Quang Anh nói. Về biện pháp đối phó, Cục trưởng Thú y cho biết vấn đề này phức tạp, cần sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ. Biện pháp trước mắt vẫn là tăng cường công tác vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, tăng cường công tác kiểm dịch biên giới.
Trao đổi với VnExpress sáng nay, ông Trương Văn Dung, Viện trưởng Thú y, cho biết thật không vui vẻ gì khi nghe tin Trung Quốc phát hiện H5N1 trên lợn bởi bệnh từ lợn rất dễ lây sang người. Và đặc biệt là virus nói chung, H5N1 nói riêng biến chủng rất dễ dàng. Ông Dung cũng hy vọng việc phát hiện H5N1 trên đàn lợn chỉ là hiện tượng cá biệt, chưa đến mức phổ biến như với gà. Trước đó, vào tháng 2, Viện Thú y đã lấy 188 mẫu dịch hô hấp và 500 mẫu huyết thanh trên đàn lợn ở Hà Tây, Thái Bình và Hải Phòng, song không phân lập được virus cúm.
Tuy nhiên, ông Dung cho rằng việc phát hiện H5N1 trên đàn lợn của Trung Quốc là cảnh báo đối với Việt Nam trong công tác phòng chống dịch. "Không nên quá hoảng sợ trước thông tin này, song cũng không được chủ quan. Chúng ta cần áp dụng các biện pháp tiêu độc chuồng trại, vệ sinh thú y thật nghiêm ngặt", ông Dung nói.
Bích Hạnh - Như Trang