Theo Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Bình, chuyên khoa tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, Polyp đại tràng là một khối nhỏ các tế bào hình thành trên niêm mạc đại tràng (ruột già). Khối u này có thể lành tính hay ác tính, có cuống hoặc không với nhiều kích thước, số lượng khác nhau. Đây là một trong những căn bệnh âm thầm, triệu chứng không rõ ràng, nhiều người thường phát hiện khi đi nội soi hoặc khám sức khỏe định kỳ.
Hiện, số người mắc Polyp đại tràng tại Việt Nam chiếm 10-12%, phổ biến trên 40 tuổi. Những năm gần đây tỷ lệ người mắc có dấu hiệu trẻ hóa. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hình thành polyp đại tràng là do đột biến gen làm phát triển tế bào không bình thường tạo thành polyp.
"Số liệu thống kê polyp tiến triển thành ung thư chưa có cụ thể, song theo một nghiên cứu, 50% các trường hợp ung thư đại tràng tiến triển từ polyp. Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam ghi nhận gần 15.000 ca mắc ung thư đại tràng mới, tỷ lệ 13,4 trên 100.000 dân", bác sĩ Bình nói.
Bác sĩ Bình cho biết thêm, polyp đại tràng hầu hết là lành tính, để điều trị polyp lành tính, chuyên gia sẽ cắt bỏ ngay trong quá trình nội soi, thủ thuật tương đối đơn giản, nhanh chóng. Có hai loại polyp đại trực tràng phổ biến nhất là polyp tăng sản, polyp u tuyến. Các polyp tăng sản sẽ không có nguy cơ biến chứng thành ung thư, nhưng các polyp u tuyến lại là tiền thân của hầu hết bệnh ung thư đại tràng.
Những polyp có dấu hiệu bất thường cần lưu ý như: kích thước lớn, chân bám rộng, nhiều múi, có dấu hiệu loạn sản... Đối với những trường hợp này, bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ, xử lý thận trọng bằng cách cắt hớt niêm mạc, mổ nội soi.. tùy từng trường hợp để lấy đi toàn bộ tổ chức nghi ngờ ung thư, ngăn ngừa sự phát triển ác tính. Tuy nhiên, phương pháp điều trị phức tạp, đòi hỏi bác sĩ trình độ chuyên môn cao, thiết bị máy móc hiện đại vì nếu tổ chức loạn sản không được loại bỏ triệt để, có thể khiến quá trình ung thư hóa diễn ra nhanh hơn.
Để kiểm tra polyp lành tính hay ác tính bước đầu cần sử dụng các phương pháp nội soi phóng đại dải tần số hẹp (NBI) và nội soi phóng đại nhuộm màu. Kết quả xét nghiệm mô bệnh học giúp phát hiện tế bào ung thư sau cắt polyp hoặc sau sinh thiết polyp.
Vừa qua, ông Cao Hồng, 61 tuổi, Hà Nội, nhập viện, sau khi thăm khám nội soi NBI, nhận thấy polyp của người bệnh có dấu hiệu loạn sản, bác sĩ Lê Xuân Thắng, Khoa nội soi - tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc đã tiến hành cắt niêm mạc, lấy toàn bộ tổ chức polyp nghi ngờ ác tính trong quá trình nội soi. Kết quả giải phẫu bệnh sau đó cho thấy polyp loạn sản mức độ 2B. Như vậy, bệnh nhân thoát khỏi ung thư thực tràng mà không cần phẫu thuật.
Bác sĩ Thắng chia sẻ việc chẩn đoán chính xác bản chất polyp như trường hợp ông Hồng giúp loại bỏ nguy cơ ung thư ngay từ lần nội soi đầu tiên. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho người bệnh. Sau khi cắt bỏ polyp ác tính, đến nay, người bệnh sức khỏe ổn định, không đau bụng hay có biến chứng chảy máu, ăn ngủ tốt, tinh thần thoải mái.
Ngoài ra, qúa trình chăm sóc sức khỏe sau khi điều trị polyp đại tràng quan trọng. Sau thủ thuật nội soi, cắt polyp có gây mê, người bệnh không tự điều khiển phương tiện giao thông. Bệnh nhân cần nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng, tránh vận động nhiều trong 3-14 ngày tùy theo kích thước, số lượng polyp cắt. Người bệnh chú ý ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa, chia nhỏ bữa ăn để dạ dày hấp thụ, uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ có nhiều chất xơ giúp làm mềm phân, tránh táo bón, tránh sử dụng thực phẩm cay, nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ, không nên dùng thuốc ảnh hưởng đến khả năng đông máu như aspirin, giảm đau có ibuprofen, naproxen, chỉ sử dụng giảm đau Acetaminophen hoặc Paracetamol.
Ngọc Thi