Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Cancer ngày 12/8 đã phân tích các ca mắc và tử vong do 30 loại ung thư ở 185 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2022 để đưa ra dự báo cho năm 2050.
Các nhà khoa học ước tính tổng số ca ung thư ở nam giới sẽ tăng từ 10,3 triệu vào năm 2022 lên 19 triệu vào năm 2050, tương đương với 84%. Số ca tử vong do ung thư tăng từ 5,4 triệu lên 10,5 triệu cùng thời gian, tương đương với 93%. Tỷ lệ tử vong ở nam giới từ 65 tuổi trở lên tăng 117%.
Các quốc gia có thu nhập và tuổi thọ thấp thường bị ảnh hưởng nhiều hơn hơn. Từ năm 2022 đến năm 2050, tỷ lệ mắc và tử vong vì ung thư ở châu Phi và Đông Địa Trung Hải tăng 2,5 lần, châu Âu tăng khoảng 1,5 lần, nghiên cứu nêu rõ.
Các nghiên cứu trước đó nhiều lần chỉ ra rằng đàn ông có nhiều khả năng bị ung thư hơn phụ nữ do các thói quen thiếu lành mạnh như hút thuốc, uống rượu. Họ cũng thường xuyên tiếp xúc với các chất gây hại tại nơi làm việc, ít tham gia các chương trình khám và sàng lọc ung thư.
Giống với năm 2022, vào năm 2050, ung thư phổi vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nam giới. Các bệnh có mức tăng đột biến khác là ung thư biểu mô và tuyến tiền liệt.
Theo các nhà nghiên cứu, để cải thiện tỷ lệ ung thư hiện tại, giới chức cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, sàng lọc bệnh. Họ đề xuất các nước mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế để "tăng cường các lựa chọn chăm sóc ung thư cơ bản".
Báo cáo của Hiệp hội Ung thư Mỹ cho thấy dân số già và tình trạng già hóa là động lực chính dẫn đến quy mô gánh nặng ung thư của thế giới. Dân số toàn cầu hiện là 8 tỷ người, ước đạt 9,7 tỷ người vào năm 2050.
"Chúng tôi cho rằng số người bị ung thư sẽ tăng lên 35 triệu vào năm 2050, phần lớn do dân số già ngày càng tăng, cộng thêm việc người dân có các thói quen như hút thuốc lá, tỷ lệ béo phì cao. Căn bệnh sẽ tấn công nhiều vào những nước thu nhập thấp", tiến sĩ William Dahut, giám đốc khoa học của Hiệp hội Ung thư Mỹ, cho biết.
Thục Linh (Theo CNN)