![]() |
Đồi mồi là loài rùa biển bị săn nhiều nhất, do có tấm lưng rất đẹp. |
Trong những năm qua, các loài rùa biển nói trên đã bị con người khai thác ồ ạt để làm thịt, bán làm hàng mỹ nghệ hoặc chế tác. Chỉ riêng Vũng Tàu đã có khoảng 20 gian hàng mỹ nghệ với số đồi mồi ước tính hơn 400.000 con. Ở thị xã Hà Tiên còn phát hiện một số gian hàng tồn trữ với số lượng hàng ngàn con rùa biển. Giá một con sau khi trải qua khâu chế tác trở thành hàng mỹ nghệ có thể lên tới vài triệu hoặc thậm chí vài chục triệu đồng. Đó là lý do vì sao thời gian gần đây, những người săn rùa biển tìm đến bãi rùa đẻ để lấy trứng và bắt rùa mẹ.
Các quần thể rùa đang bị suy thoái nghiêm trọng. Những bãi biển nổi tiếng một thời với lượng rùa lên đẻ đông tới hàng ngàn con như Cát Bà (Hải Phòng), Phú Quốc (Kiên Giang) nay chỉ còn là dĩ vãng. Trên lãnh thổ Việt Nam hiện chỉ còn 3 vùng có rùa biển trú ngụ là Ninh Thuận, Thổ Châu (Kiên Giang) và Côn Đảo (Vũng Tàu).
Vùng biển Kiên Giang được xem là nơi giàu có tài nguyên nhất nhì ở Việt Nam với ngư trường rộng lớn, có hệ sinh thái san hô, thảm cỏ biển đa dạng, các loại sinh vật quý hiếm như trai tê tượng, hải sâm, bào ngư, bò biển... Đây là được xem một trong những đầu mối quan trọng trong luồng di trú của loài rùa biển từ Côn Đảo, Campuchia và Ninh Thuận. Theo những ngư dân ở đảo Thổ Châu, trước kia có rất nhiều bãi rùa lên đẻ. Nhưng những năm gần đây, chúng rất ít xuất hiện ở khu vực này. Tình trạng đánh bắt tràn lan, hệ thống tàu bè dày đặc, các loại tàu đánh bắt bằng lưới kéo, lưới thừng, lưới bao đã làm cho ngư trường cạn kiệt, môi trường sinh thái biển bị biến dạng, các rạn san hô và thảm cỏ biển - nguồn thức ăn chính của rùa không còn nữa.
Mặt khác, sự hiện diện của con người ở các đảo, sự tác động của ánh sáng, chất thải, động cơ tàu ... cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến sự hủy diệt của rùa biển. Đó là chưa kể đến sự tấn công của chim chóc, những loại cá lớn; việc các bãi cát bị sạt lở... Ước tính, cứ 1.000 quả trứng rùa sinh ra thì chỉ có khoảng 10 con rùa biển sống sót.
Ở nước ta, mãi tới những năm 1995, việc bảo tồn rùa biển mới được thực hiện ở Côn Đảo do Quỹ bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) tài trợ. Tại đây, các nhà nghiên cứu đã kiểm soát được 5/15 bãi rùa đẻ, và từ đó đến nay đã thả về biển khơi hơn 35.000 rùa con. Tại khu vực Núi Chúa (Ninh Thuận), sau hai năm triển khai công việc bảo tồn rùa biển, từ chỗ không có bóng dáng một con rùa biển nào thì nay đã thả hơn 1.000 con ra biển. Tại khu vực đảo Thổ Châu (Kiên Giang), các cuộc khảo sát cho thấy nơi đây còn số lượng rùa đáng kể ở một số bãi biển vắng người, tuy nhiên con số chính xác vẫn chưa được rõ.
Để bảo tồn và phát triển các loài rùa, các nhà khoa học và quản lý cho rằng cần phải tiến hành một cuộc khảo sát đồng bộ số lượng rùa trên tất cả những bãi rùa đẻ hiện nay, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tập huấn nâng cao nhận thức của ngư dân về giá trị của rùa biển cũng như ý thức bảo vệ chúng. Sắp tới, Chương trình biển và ven biển thuộc WWF sẽ hỗ trợ về chuyên môn và một phần kinh phí để thành lập Trung tâm Bảo tồn rùa biển ở Kiên Giang, như đã từng thực hiện ở Côn Đảo và Ninh Thuận.
(Theo SGGP)