Cô gái 25 tuổi chiến đấu với chứng rối loạn ăn uống trong nhiều năm kể từ khi còn là thiếu niên. Cân nặng trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng đến mức Fernandez sẽ cảm thấy tội lỗi nếu không hoạt động thường xuyên và giữ các chỉ số của bản thân ở mức lý tưởng.
"Tôi định nghĩa bản thân bằng cường độ luyện tập. Tôi chỉ cảm thấy mình xứng đáng được ăn uống nếu đốt nhiều calo nhất có thể", cô nói.
Fernandez ép bản thân đi bộ 45 phút mỗi ngày, tập các bài tập khác nhau dù chấn thương. Mức độ luyện tập nhiều đến mức chân cô đau nhức. Fernandez thậm chí tránh du lịch xa cùng gia đình để không phá vỡ các thói quen và lịch trình hàng ngày.
"Tôi tự cô lập mình, hủy kế hoạch với bạn bè, không tham gia các chuyến đi đường dài hoặc đi xem phim", cô nói.
Chẳng bao lâu, lối sống đầy ám ảnh khiến cô phải nhập viện. Các triệu chứng ban đầu là tức ngực, mệt mỏi. Theo Mayo Clinic, Fernandez bị chứng nhịp tim chậm, có thể gây tử vong. Tình trạng này nhanh chóng trở thành lời cảnh tỉnh cho cô gái trẻ.
"Tôi muốn thay đổi, tôi cảm thấy mình thật khốn khổ. Tôi đã nghĩ nếu mình không tăng cân và tự hồi phục, tôi sẽ chết", cô nói.
Theo các chuyên gia, ám ảnh về cân nặng, chế độ ăn và calo là vấn đề nhiều người trẻ gặp phải. Việc đếm calo thực tế có thể gây nghiện. Một người được coi là ám ảnh nếu buộc phải biết hàm lượng calo trong bữa ăn, cảm thấy lo lắng nếu không xem được nhãn calo trên thực phẩm. Hoặc thường xuyên vứt bỏ một số loại thực phẩm trong nhà vì calo, cảm thấy lo lắng nếu ăn nhiều hơn mức calo tự quy định dù chỉ một chút.
Tình trạng này thường dẫn đến các suy nghĩ tiêu cực, hạn chế ăn uống, tập thể dục quá độ, nhịn ăn, rối loạn ăn uống.
Để cải thiện chứng nghiện đếm calo, bạn có thể xóa ứng dụng calo, viết ra lý do tại sao thói quen này không còn hữu ích nữa.
Thục Linh (Theo NY Post)