Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ nhận lệnh đến mọi hộ gia đình trong thành phố, đưa những người bị nhiễm bệnh tới các điểm cách ly được dựng lên trên một sân vận động, trong một trung tâm triển lãm và một tòa nhà phức hợp.
"Không ai được phép bỏ trốn, nếu không họ sẽ bị lưu tiếng xấu đến muôn đời", Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan, người dẫn dắt các nỗ lực phản ứng của chính phủ trước dịch virus corona chủng mới (Covid-19), nhấn mạnh.
Nhưng nhiều chuyên gia lo ngại rằng việc cách ly hàng nghìn bệnh nhân trong các trại tạm trú như vậy không thể ngăn chặn virus lây lan. Trung Quốc hiện có hơn 45.000 ca nhiễm bệnh ở tất cả các tỉnh thành, dù đa số các ca mắc vẫn tập trung chủ yếu ở tỉnh Hồ Bắc.
"Đây giống như kiểu 'mất bò mới lo làm chuồng'", bác sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt ở Nashville, Mỹ, nhận xét.
Giới chức Trung Quốc cho biết chỉ những người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 mới được đưa tới các khu trại cách ly, nhưng không giải thích đầy đủ cách họ được sàng lọc bệnh nhân như thế nào. Điều này làm dấy lên mối quan ngại rằng nhiều bệnh nhân có thể sẽ bị lây nhiễm chéo các căn bệnh khác ngoài Covid-19 khi tập trung quá đông người tại những khu vực hạn chế như vậy.
Bên trong các khu cách ly, những chiếc giường nhỏ kê san sát, ngăn cách với nhau bởi những tấm màn mỏng. Đây là điều kiện hoàn hảo để virus gây bệnh hô hấp lây lan. Bên cạnh đó, hiện có rất ít thông tin về các phương pháp điều trị cho bệnh nhân cũng như họ sẽ bị cách ly trong bao lâu.
Các biện pháp đối phó dịch ở Vũ Hán gợi nhớ lại những gì mà Mỹ thực hiện hồi năm 1918 nhằm ngăn chặn dịch cúm Tây Ban Nha, nhưng khác ở quy mô, khi Vũ Hán là thành phố có tới 11 triệu dân.
Tại thành phố New York tháng 8/1918, sau khi nhận được tin một con tàu từ Na Uy tới chở theo các thủy thủ và hành khách mắc cúm Tây Ban Nha, giới chức y tế đã điều xe cứu thương chở 11 bệnh nhân tới bệnh viện.
Ủy viên y tế của thành phố, bác sĩ Royal S. Copeland, cuối cùng quyết định cách ly toàn bộ bến cảng.
Quãng thời gian dịch bệnh lây lan vào mùa thu năm đó, các thành phố trên khắp nước Mỹ đều ban lệnh cấm tụ tập đông người. Giới chức thành phố Los Angeles đóng cửa trường học cả tháng 10 và cấm tổ chức tang lễ, mở cửa rạp chiếu phim hay phòng chơi bi-a. Baltimore cũng yêu cầu nhà thờ và trường học đóng cửa.
Nhiều thành phố để người bệnh cách ly tại nhà. Ở New York, nhiều gia đình được hướng dẫn giữ thành viên mắc bệnh trong phòng và hạn chế tiếp xúc. Những bệnh nhân sống trong các căn chung cư quá chật hẹp thì được cách ly tại bệnh viện.
Tại thành phố Richmond, bang Virginia, đã có 10.000 ca nhiễm cúm tính tới đầu tháng 10/1918 sau khi nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh ở một căn cứ quân sự lớn gần đó thất bại. Giới chức thành phố đã chuyển đổi một trường học bỏ hoang thành bệnh viện khẩn cấp 500 giường rồi chuyển bệnh nhân tới đây.
Dù vẫn có y tá chăm sóc bệnh nhân, điều kiện sinh hoạt tại những khu tập trung kiểu này vẫn rất tệ, Howard Markel, giáo sư lịch sử y học tại Đại học Michigan, cho hay.
Về cơ bản, biện pháp này không khác gì dồn bệnh nhân vào kho chứa, nơi có điều kiện vệ sinh, cơ sở vật chất điều trị bệnh, đồ ăn đều rất nghèo nàn, không đạt tiêu chuẩn. Bệnh nhân dần "vỡ mộng" về trại cách ly, nhiều cuộc tranh cãi, xô xát diễn ra. "Đó không phải là khách sạn Bốn Mùa", tiến sĩ Markel nói.
Các khu tập trung ở Vũ Hán hiện nay cũng không có đầy đủ hệ thống sưởi, thường xuyên bị mất điện, đồng thời cả nhân sự và vật tư y tế đều thiếu, theo các báo cáo sơ bộ.
"Cách làm này đưa chúng ta trở về thế kỷ 19", giáo sư Markel bình luận. "Đây là cách tiếp cận lỗi thời trước dịch bệnh, bởi bạn quan tâm tới người khỏe nhiều hơn là người ốm".
Theo Markel và một số chuyên gia khác, những khu tập trung ở Vũ Hán có thể trở thành "ổ lây nhiễm", nhất là khi các bệnh nhân không được sàng lọc đúng cách.
Bệnh nhân vốn đã có thể trạng yếu và cơ sở vật chất tồi tàn tại các khu tập trung càng tạo điều kiện giúp virus, vi khuẩn dễ dàng lây truyền, không chỉ Covid-19 mà còn cả hàng loạt mầm bệnh khác chỉ chờ phát triển khi có nhiều người tụ tập trong không gian chật hẹp.
Mặt khác, những người được gom vào các khu tập trung còn có thể bị chẩn đoán nhiễm virus corona trong khi thực tế họ chỉ bị cúm mùa thông thường. Nếu vậy, việc đưa họ vào khu tập trung chỉ khiến họ dễ nhiễm virus hơn.
Việc đưa bệnh nhân ra khỏi nhà, nơi họ được người thân chăm sóc, động viên tinh thần, để chuyển họ tới một khu cách ly toàn người lạ có nguy cơ gây tác động tiêu cực về mặt tâm lý, theo Nicole A. Errett, nhà nghiên cứu tại Đại học Washington.
"Trong hầu hết các trường hợp, việc gom người mắc bệnh và có nguy cơ mắc bệnh vào một chỗ, giữ họ cách xa những người khỏe mạnh có thể ngăn dịch bệnh lây lan, nhưng đi đôi với đó, những người ở trong các khu cách ly lại có thể không được chăm sóc y tế đúng mức. Đây là điều khiến tôi lo lắng", giáo sư Markel nói.
Các nhà khoa học khác tin rằng sẽ tốt hơn nếu để người bệnh ở nhà cho người thân chăm sóc với điều kiện người thân phải được đào tạo, huấn luyện kỹ lưỡng và biết cách tự bảo vệ mình khỏi bị lây nhiễm. Thay vì thiết lập các khu cách ly quy mô lớn, chính quyền nên phân phối thực phẩm và dụng cụ vệ sinh, bao gồm thiết bị bảo vệ cá nhân, cho người chăm sóc tại nhà, đồng thời thiết lập đường dây nóng báo tin.
Điều quan trọng là phải chuẩn bị sẵn sàng cho các cơ sở y tế điều trị những bệnh nhân nặng nhất, thay vì dồn nguồn lực cho các ca nhẹ hơn, Jennifer B. Nuzzo từ Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, lưu ý.
Vũ Hoàng (Theo NYTimes)