Nội dung được ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận nêu tại hội nghị góp ý về Luật Điện lực sửa đổi, ngày 6/8 ở TP HCM.
Ông Thịnh cho rằng với nhu cầu ngày càng tăng, tình trạng thiếu điện cục bộ như từng xảy ra ở miền Bắc năm ngoái có thể tái diễn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống.
Ông chỉ rõ, theo quy hoạch của Chính phủ, Việt Nam cần đạt tổng công suất 150.489 MW vào năm 2030 để đáp ứng nhu cầu điện. Tuy nhiên, hiện tại ngành này mới chỉ đạt 80.000 MW, nghĩa là trong vòng 5 năm tới, các doanh nghiệp phải nỗ lực để sản xuất thêm 70.000 MW - một con số áp lực lớn cho ngành.
Để giải quyết thách thức này, ông Thịnh nhấn mạnh rằng việc đưa giá điện về theo cơ chế thị trường là yếu tố then chốt. Hiện nay, giá vẫn còn mang màu sắc "bao cấp" và chưa phản ánh đúng chi phí sản xuất. Sự can thiệp quá nhiều của Nhà nước vào giá điện khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, không đủ nguồn lực để đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất, từ đó dẫn đến nguy cơ thiếu điện trong tương lai.
Các doanh nghiệp và chuyên gia tại hội nghị đều đồng tình với quan điểm này. Việc điều chỉnh giá theo thị trường sẽ tạo động lực thúc đẩy đầu tư, thu hút thêm vốn nước ngoài và giúp các dự án điện mới triển khai nhanh chóng hơn.
Luật sư Trần Cao Nghĩa từ Công ty Luật Nishimura & Asahi Việt Nam, cho rằng để thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ cần có cam kết rõ ràng trong việc đảm bảo uy tín tín dụng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - đơn vị mua điện chính. Ngoài ra, trong Luật Điện lực sửa đổi cần có cơ chế bảo lãnh từ Nhà nước để nhà đầu tư yên tâm hơn trong các hợp đồng dài hạn với EVN.
Ngoài ra, một vấn đề khác cũng được đưa ra là sự độc quyền trong ngành điện. Ông Hoàng Văn Sơn, Trưởng phòng Luật sư VNC, đề xuất nên chia tách EVN thành nhiều tập đoàn để tạo ra sự cạnh tranh, từ đó người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ giá điện hơn.
Một trong những khó khăn lớn của ngành hiện nay là tiến độ triển khai các dự án điện khí thuộc Quy hoạch Điện VIII. Dù có đến 23 dự án được phê duyệt với tổng công suất 30.424 MW đến năm 2030, nhưng hiện tại mới chỉ có nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1 được đưa vào hoạt động. Các dự án lớn khác như Lô B, Cá Voi Xanh, Hiệp Phước 1 và nhiều dự án khác đang gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý, tài chính, dẫn đến chậm trễ trong việc triển khai.
Ông Lưu Hoàng Hà, Chủ tịch Nami Distributed Energy, cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc điều chỉnh lại Quy hoạch Điện VIII, đặc biệt là cắt giảm độc quyền và tạo điều kiện cho điện phân tán phát triển.
Trước những ý kiến góp ý của các doanh nghiệp và chuyên gia, ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho biết Quốc hội sẽ tiếp thu và nghiên cứu để đưa ra những giải pháp hợp lý trong việc sửa đổi Luật Điện lực. Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng đã bổ sung các quy định trong dự thảo luật để phản ánh đầy đủ chi phí sản xuất và kinh doanh điện, đưa giá về cơ chế thị trường, giúp đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành điện lực trong thời gian tới.
"Việc điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường không chỉ giúp giải quyết bài toán thiếu điện mà còn mở ra cơ hội cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành năng lượng, đảm bảo cung ứng điện ổn định và bền vững trong tương lai", ông nói.
Thi Hà