Cứ 2 phút, toàn bộ máu trong cơ thể lại di chuyển qua gan một lần để gan thực hiện hơn 500 vai trò khác nhau. Cho đến nay, chưa có cơ quan nhân tạo có thể thay thế được những chức năng phức tạp của gan. Thế nhưng, chính những thói quen thường gặp ở nhiều người lại khiến gan bị yếu dần.
Theo BS.CKI Hoàng Đình Thành - Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), rượu bia, thuốc lá, hóa chất tồn dư thực phẩm, virus, vi khuẩn và độc chất sản sinh từ thói quen như nhịn ăn sáng, nhịn tiểu... sẽ khiến tế bào Kupffer bị kích thích quá mức. Tế bào Kupffer là đại thực bào thường trú ở gan, thường xuyên tiếp xúc với các vi khuẩn, độc tố tạo phản ứng miễn dịch, có nhiệm vụ loại bỏ các tế bào gan chết.
Khi tế bào Kupffer bị kích thích sẽ phóng thích ồ ạt các chất gây viêm như Leukotriene, Interleukin, TNF-α, TGF-β... làm tổn thương tế bào gan, khiến gan bị hủy hoại và gây ra nhiều bệnh. Bác sĩ Thành cho biết, phần lớn các bệnh lý liên quan đến gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, ung thư gan, đều do sự hoạt động quá mức của tế bào Kupffer.
Để bảo vệ sức khỏe gan, mọi người cần tránh những thói quen gây hại gan dưới đây.
Nhịn ăn sáng
Gan cần năng lượng để khử độc và chuyển hóa các chất độc hại thành những chất không độc hoặc ít độc hơn để bảo vệ cơ thể. Nếu nhịn ăn sáng, nhất là khi bạn nhịn ăn sáng thường xuyên, gan sẽ không có đủ năng lượng để thực hiện các vai trò của mình.
Cụ thể, sau một đêm dài, lượng thức ăn tối hôm trước đã được tiêu hóa hết, bạn thức dậy với một chiếc bụng trống rỗng. Nếu còn nhịn ăn sáng, tế bào gan không đủ năng lượng để thanh lọc máu, làm cho các độc chất tích tụ ở gan ngày càng nhiều. Các độc chất sẽ buộc tế bào gan tăng hoạt động để thực hiện vai trò giải độc, từ đó, kích hoạt quá mức tế bào Kupffer phóng thích chất gây viêm càng gây hủy hoại tế bào gan nhiều hơn. Điều này tạo thành một vòng luẩn quẩn khởi phát khi tế bào gan không đủ năng lượng để hoàn thành nhiệm vụ thải độc.
Gan bị hư tổn sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác như khả năng tiết mật để tiêu hóa chất béo giảm, gây thừa cân, béo phì; làm tăng lượng cholesterol gây tăng xơ vữa động mạch, gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ...
Nhịn tiểu
Trong vai trò loại bỏ độc tố, gan nắm giữ nhiệm vụ quan trọng là đào thải nồng độ amoniac trong máu ra khỏi cơ thể qua đường tiểu. Amoniac được cơ thể trực tiếp hấp thu từ đạm thực phẩm, không khí, nước nhưng chủ yếu được tạo ra từ ruột và thận trong các quá trình chuyển hóa của cơ thể.
Bác sĩ Thành chia sẻ thêm, vì các loại thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày đều có chứa một lượng nitơ nhất định, sau khi được hấp thu vào cơ thể sẽ bị các vi khuẩn đường ruột có men urease phân hủy nitơ thành amoniac (NH3), có tính độc. Amoniac thấm vào niêm mạc ruột và nhanh chóng khuếch tán vào máu, sau đó đưa đến gan. Mỗi ngày, gan phải tiếp nhận khoảng 4 gram nồng độ amoniac trong máu và những chất độc, vi khuẩn khác từ thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm... nên gan phải hoạt động liên tục để xử lý ngay cả khi chúng ta đang ngủ.
Trong quá trình hoạt động, gan tiết ra một số enzyme giúp chuyển đổi amoniac thành urê và sau đó đưa đến thận. Thận với chức năng tạo ra nước tiểu sẽ bài tiết urê, amoniac và một số thành phần khác trong nước tiểu ra ngoài.
Nếu bạn có thói quen nhịn tiểu vào lúc buổi sáng hay bất kỳ thời gian nào trong ngày, amoniac, urê và nhiều thành phần khác trong nước tiểu sẽ thấm vào tĩnh mạch thận, sau đó vào máu và quay ngược trở lại gan. Lúc này, gan sẽ phải gồng gánh thêm một lượng amoniac, urê và nhiều chất độc hại khác có trong nước tiểu. Khi các độc chất tích tụ ở gan càng nhiều thì các tế bào gan phải làm việc liên tục để khử độc chất, dễ bị tổn hại.
Thức khuya
Theo đồng hồ sinh học, vào khoảng từ 23h đến 1h, khi cơ thể vào trạng thái nghỉ ngơi là lúc gan làm nhiệm vụ thải độc, loại bỏ các chất thừa thải ra ngoài cơ thể. Đồng thời, gan cũng sử dụng các chất dinh dưỡng của thực phẩm đã được nạp vào cơ thể trong ngày và tạo điều kiện cho quá trình trao đổi chất được tốt hơn. Từ 1h đến 3h, túi mật trong gan giúp cơ thể tiêu hóa chất béo, mỡ xấu, cholesterol trong thức ăn và máu. Gan sẽ sẽ thực hiện tốt nhất các vai trò này khi cơ thể trong trạng thái ngủ say.
Bạn nên cân bằng giữa thời gian nghỉ ngơi, làm việc và giải trí. Hạn chế thói quen thức khuya làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của gan nói riêng và sức khỏe toàn thân nói chung. Mỗi ngày, người trưởng thành nên lên giường trước 22h để có giấc ngủ sâu vào khoảng 23h đến 3h.
Nếu bạn mắc chứng khó ngủ thì hãy làm ấm cơ thể trước khi đặt lưng xuống giường. Bạn ngâm chân vào chậu nước ấm để tăng cường khả năng lưu thông máu. Điều chỉnh nhiệt độ trong phòng thích hợp, tạo không gian mát mẻ, thoáng đãng sẽ giúp cho bạn dễ ngủ hơn. Khi ngủ, không nên mặc quần áo chật, bó sát cơ thể gây cảm giác khó chịu, bức bí, thay vào đó chọn những bộ đồ rộng rãi, thoải mái.
Do đặc thù và tính chất công việc bận rộn, nhiều người vô tình hại sức khỏe lá gan bởi những thói quen như nhịn ăn sáng, nhịn tiểu, thức khuya... "Nếu đang gặp phải tình trạng này, bạn cần cố gắng điều chỉnh những thói quen trên và chủ động bảo vệ sức khỏe, chống độc cho gan bằng cách chọn lựa kỹ thực phẩm sạch, ăn chín uống sôi, hạn chế bia rượu, thuốc lá, không tùy tiện sử dụng thuốc. Tăng cường bổ sung thảo dược có tác dụng hỗ trợ kiểm soát tế bào Kupffer như tinh chất Wasabia và S. Marianum cũng là gợi ý. Sự kết hợp giữa Wasabia và S. Marianum mang đến tác dụng chống độc và góp phần tăng cường giải độc từ sâu bên trong giúp gan khỏe mạnh, hoạt động hiệu quả hơn", bác sĩ Thành nói thêm.
Ngọc An