Sông ăn sâu vào đất liền. |
Riêng tại An Giang, sau cơn lũ 2001, có gần 40.000 m3 đất bị thủy thần nuốt chửng, kéo theo gần 300 hộ dân không còn chốn nương thân. Mùa nước hung hãn, 9/11 huyện thị trong tỉnh phải đối mặt với tuyến sạt lở hơn 60 km chạy dọc sông Tiền. Những ngày tới, theo dự báo của Sở KHCN&MT, toàn tỉnh sẽ có 42 điểm nguy cơ sạt lở với diện tích bị uy hiếp nằm trong cung trượt lên tới 120 ha.
Thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp giờ cũng khốn khó với nạn đất lở. Hai năm gần đây, Sa Đéc có hàng chục ha đất bị dòng chảy hung dữ cuốn đi và từ đầu năm tới nay, dòng sông chảy giữa lòng thị xã (dài 5 km) lại liên tục bị sạt, có nơi sâu tới 15-20 m. Hơn 150 nhà dân đã được cảnh báo khẩn cấp di dời. Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Huỳnh Thế Phiên cho biết, nếu lũ 2002 xảy ra lớn thì các huyện Hồng Ngự, Châu Thành, Thanh Bình, Tam Nông, Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung và hai thị xã Cao Lãnh, Sa Đéc đều phải đối diện với nạn lở đất.
Theo các nhà khoa học, để tìm ra một giải pháp cho thực trạng này ở khu vực sông Tiền, Hậu quả là nan giải. Việc nắn dòng, chỉnh trị dòng sông là không thể. Lập phương án làm bờ kè như ở huyện lỵ Tân Châu thì kinh phí quá tốn kém. TS Bùi Đạt Trâm, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn An Giang đề nghị ngành chức năng các tỉnh mỗi năm vào mùa cạn nên tiến hành khảo sát dòng sông, đưa ra cảnh báo những nơi nguy hiểm sạt lở trong mùa nước nổi, giúp Nhà nước và người dân nắm bắt được thông tin đầy đủ, nhằm hoạch định chỗ ở một cách an toàn.
(Theo Thanh Niên)