Năm 2002, bà Duyên (Thanh Hóa) sinh con thứ ba. Con chưa đầy tháng, bà đã trở lại công việc mưu sinh trên cảng cá. Do sinh nở nhiều và không kiêng cữ nên 2 năm sau, bà có dấu hiệu sa sinh dục - đại tràng. Khối sa khiến bà gặp khó khăn khi đi lại, tiểu khó, tiểu buốt, đau đớn khi đi ngoài, khiếp sợ chuyện vệ sinh cá nhân.
Chồng mất sớm, nhà có 3 cậu con trai, nên bà không thể chia sẻ cùng ai. Căn bệnh “khó nói” khiến bà mất sức lao động, ngày càng tự ti, ngại giao tiếp và rơi vào trầm cảm. Nhiều lần đi khám, bà Duyên đều được tư vấn phải cắt bỏ khối sa, song vì kinh tế khó khăn, nên bà khất lần không mổ 15 năm nay.
Đến tháng 10/2017, được Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) tài trợ, bà mới đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long (Quảng Ninh) làm phẫu thuật.
Theo bác sĩ Trần Thanh Hùng - Trưởng khoa ngoại bệnh viện, đây là một trong những trường hợp sa sinh dục - bàng quang nặng nhất mà ông từng gặp. Bệnh nhân bị sa bàng quang độ 3, sa tử cung độ 2 và sa trực tràng độ một.
Êkip đã tiến hành phẫu thuật ngay để giải thoát khối sa đeo đẳng quá lâu cho người bệnh. Bác sĩ Hùng áp dụng phương pháp nâng sa bàng quang qua ngả âm đạo bằng lưới TOT, giúp bệnh nhân ít đau, thời gian nằm viện ngắn, phục hồi tốt. Sau ca mổ, bà Duyên đi lại được bình thường và xuất viện sau 5 ngày.
Theo chuyên gia, có khoảng 10-30% phụ nữ Việt Nam bị sa sinh dục, phần lớn ở độ tuổi từ 40 - 60. Phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh nếu sinh nhiều con, sinh quá sớm, không được đỡ đẻ an toàn và đúng kỹ thuật; có tiền sử chuyển dạ kéo dài, đẻ khó; đi làm quá sớm sau sinh, lao động nặng nhọc, thường xuyên làm việc ở tư thế đứng, gánh gồng.
Tuy nhiên, rất ít người đi khám vì e ngại bệnh lý vùng kín. Các bác sĩ khuyến cáo, chị em khi thấy bất thường tầng sinh môn, nên đi kiểm tra sớm để có được tư vấn và điều trị kịp thời.
An San