Paris, kinh đô ánh sáng thế giới, đang bị rệp tấn công. "Thật là cơn ác mộng", Yacine, giáo viên ở Paris, nói. "Tôi rất sợ đi tàu điện ngầm, không dám đi xem phim. Tình trạng này rất đáng báo động".
Hàng trăm nghìn khách vừa tới thành phố tham gia hai sự kiện Tuần lễ thời trang Paris và Giải bóng bầu dục quốc tế, làm dấy lên lo ngại rệp bám vào du khách lây lan sang nước khác.
London mỗi ngày đón 15 chuyến tàu Eurostar tới thẳng từ Paris. Nhà vận hành Eurostar trấn an du khách rằng bề mặt vải trên tàu đều được "vệ sinh kỹ lưỡng thường xuyên", khả năng xuất hiện côn trùng như rệp "cực hiếm".
Công ty tuyên bố các toa tàu sẽ được vệ sinh "theo yêu cầu hoặc ngay khi có nghi ngờ". Ngoài ra, công ty cũng lên kế hoạch "xử lý ngăn ngừa trên toàn mạng lưới" nhưng không nêu chi tiết.
Sở giao thông vận tải London tuyên bố tiếp tục giám sát và vệ sinh "kỹ lưỡng" hệ thống giao thông công cộng. Kate Nicholls, giám đốc điều hành UKHospitality, cơ quan quản lý các bệnh viện ở Anh, cho hay rệp xuất hiện ở Pháp nhưng "hoàn toàn không có dấu hiệu hay báo cáo nào cho thấy rệp xuất hiện ở Anh".
Tuy nhiên, thông trên mạng xã hội cho thấy dường như đã quá muộn. Trong tuần này, lượng tìm kiếm về rệp trên Google tại Anh tăng vọt. "Bạn tôi đi tàu từ Brimingham tới Leicester, cô ấy vừa nhìn thấy một con rệp", Tian-Demi Douglas, người London, viết trên X ngày 2/10. "Cả toa tàu la hét. Xong hết rồi. Chúng ta đã bị lây rệp".
Douglas cho hay người bạn sau đó đã ngâm giày trong nước sôi, giặt quần áo ở nhiệt độ 90 độ C và lau cồn túi xách.
Tinh thần cảnh giác đang bao trùm thành phố. Izzy Brooks, sinh viên mới tốt nghiệp ở phía nam London, cho hay "có một chiếc ghế bành rất đẹp bị bỏ trên đường mà tôi muốn lấy, nhưng tôi đã không lấy, vì sợ ghế đấy có rệp".
Các chuyên gia diệt côn trùng cho hay số lượng người London lo lắng về rệp đang tăng lên. David Lodge, thuộc công ty Kiểm soát Côn trùng Beaver, cho hay lượng câu hỏi đã tăng 17% kể từ tháng trước. Joseph Terrence, từ Simply the Pest London, cho biết nhận được nhiều thắc mắc của những người đi du lịch Paris "xin lời khuyên tự bảo vệ".
Lyubo Kiryakov, chuyên gia của Bed Bug Specialist, cho hay việc kinh doanh ở London đang bùng nổ nhưng "tôi ước chúng tôi ít bận rộn hơn. Không chỉ ở London hay Paris, mà ở mỗi thành phố lớn, ở khắp thế giới. Đây là cơn ác mộng".
Rệp có thể bám vào đồ nội thất, hành lý và được mang đi bất kỳ nơi đâu. Theo Kiryakov, những nơi nhiều rệp nhất thế giới là khu vực hành lý sân bay.
Algeria, quốc gia Bắc Phi, cũng đang cảnh giác cao độ. Hàng chục chuyến bay từ các sân bay Pháp hạ cánh ở Algeria hàng ngày, hai nước cũng được kết nối bằng phà.
Bộ Y tế Algeria ngày 5/10 "kích hoạt hệ thống đề phòng" với các biện pháp như khử trùng máy bay, phà, phương tiện vận tải đường bộ và tăng cường giám sát dịch tễ học. Hành lý và hàng hóa có nguy cơ chứa côn trùng gây hại sẽ được kiểm tra và vệ sinh.
Nạn rệp bùng nổ toàn cầu vốn do con người. Sau khi gần như bị tiêu diệt trên khắp thế giới vào đầu thế kỷ 20 nhờ sự phát triển của các loại thuốc trừ sâu mạnh như DDT, loài rệp đã phát triển khả năng kháng thuốc ngay khi hoạt động du lịch quốc tế bắt đầu.
"Loài rệp nâng cấp, trở nên thông minh hơn", Blago Manov, chuyên gia của Bed Bug Hunters, nói.
Những con rệp trên đường phố ngày nay có bộ xương ngoài cứng cáp hơn, có thể nhận biết khu vực nào đã được xử lý bằng thuốc diệt côn trùng và tránh xa nơi đó, cũng như phân biệt được nơi chúng bám vào là cơ thể sống có máu hay chỉ là chiếc túi.
Manov cho hay có cả khách hàng là thành viên hoàng gia Hà Lan và một giám đốc thời trang rất nổi tiếng. "Chúng tôi cũng có khách hàng là những người giàu nhất nước Anh. Không ai an toàn 100% trước rệp", Manov.
Một số khách hàng thậm chí cân nhắc bán nhà vì rệp. Nhưng việc này không cần thiết vì chúng có thể bị tiêu diệt nhanh chóng nếu bị phát hiện.
"Thông tin rệp có thể sống sót trong nhiều tháng mà không cần hút máu là hoang đường", Manov nói. "Ai cũng sợ. Tôi cố gắng trấn an họ. Diệt rệp không khó. Mọi người không nên quá căng thẳng".
Rệp thường trú ngụ trong đồ nội thất, quần áo, chăn ga gối đệm, hút máu người, thường vào ban đêm. Chúng lây lan nhanh vì mỗi con có thể đẻ tới 7 quả trứng mỗi ngày. Người bị rệp cắn có thể phát ban, dị ứng, phồng rộp chỗ vết cắn. Người dân nên giặt quần áo và ga giường ở nhiệt độ cao, hút bụi đồ đạc và thảm, đồng thời gọi các đơn vị diệt côn trùng tới xử lý nếu rệp vẫn xuất hiện.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)