Lượng vật liệu đóng gói dùng trong các lĩnh vực thương mại điện tử và giao hàng đạt 9,4 triệu tấn trong năm ngoái và dự báo tăng hơn bốn lần, đạt 41,3 triệu tấn vào năm 2025, nhóm hoạt động môi trường Greenpeace và các tổ chức phi lợi nhuận hôm nay đưa ra cảnh báo, giữa bối cảnh doanh số thương mại điện tử lập kỷ lục trong ngày 11/11, hay còn gọi là Ngày Độc thân ở Trung Quốc.
Chỉ trong giờ đầu tiên của sự kiện Ngày Độc thân năm nay, tập đoàn Alibaba của Trung Quốc đã đạt doanh số thương mại điện tử 12 tỷ USD. Năm ngoái, số kiện hàng được chuyển đi trong dịp này là 1,88 tỷ, tăng tới 26% so với năm trước đó, theo Cục Bưu chính Trung Quốc. Greenpeace ước tính hơn 250.000 tấn rác thải được tạo ra từ các kiện hàng này, dù không có con số thống kê chính thức.
"Các gã khổng lồ thương mại điện tử thường chỉ đưa ra phản hồi yếu ớt, họ đợi quy định ban hành", Tang Damin, người vận động giảm rác nhựa của Greenpeace tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, nói.
Trung Quốc đã biến tái chế thành một ngành kinh doanh nhiều lợi nhuận, khi đất dành để chôn lấp rác trở nên khan hiếm và lo ngại rác thải nhựa ảnh hưởng môi trường gia tăng, nhưng nước này chưa giải quyết vấn đề rác thải từ thương mại điện tử. Theo các nhóm môi trường, chỉ khoảng 5% nhựa dùng trong đóng gói hàng hóa được tái chế.
Tháng trước, cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc công bố dự thảo mới về tiêu chuẩn đóng gói nhằm buộc các công ty chuyển phát chỉ sử dụng những vật liệu đóng gói có thể tái chế trong danh sách quy định.
Trong tháng này, Alibaba cho biết tập đoàn đã "xanh hơn bao giờ hết" và thưởng cho khách hàng tái chế rác thải. Công ty giao hàng Cainiao của Alibaba cũng coi ngày 20/11 là ngày tái chế giấy bìa. Hãng thương mại điện tử JD.com tuyên bố cắt giảm sử dụng băng dính và giấy tại kho hàng, bên cạnh việc áp dụng nhiều vật liệu tái chế khác.
"Chúng ta không thể nói Trung Quốc không tái chế rác", Antoine Grange, giám đốc điều hành về tái chế rác tại SUEZ Asia, nói, ước tính rằng tỷ lệ tái chế có thể lên tới 25%. "Vấn đề khó khăn ở Trung Quốc là truy xuất nguồn gốc và thiếu cơ sở hạ tầng phân loại rác thải", ông nói.
Nhật Duy (Theo Reuters)