![]() |
Cần hạn chế tối đa thời gian tiễp xúc với tia X. |
Tiến sĩ Chinh Chiến, Phó Trưởng Khoa Y học lao động, Viện Pasteur Nha Trang, cho biết, trước năm 1995, phần lớn các phòng X-quang ở khu vực Duyên hải miền Trung đều không đảm bảo an toàn phóng xạ, có nơi độ nhiễm xạ cao gấp 70 lần giới hạn cho phép. Mấy năm gần đây, vấn đề an toàn phóng xạ tại các phòng X-quang tương đối được đảm bảo, nhưng nhiều phòng vẫn chưa đạt tiêu chuẩn.
Vì hầu hết các phòng X-quang hiện nay đều nằm trong khu dân cư nên sẽ rất nguy hiểm nếu sự cố xảy ra. Nhiều phòng X-quang ở bệnh viện cũng được bố trí sát khu khám chữa bệnh. Nếu che chắn không tốt sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của bệnh nhân xung quanh. Về pháp lý, các phòng X-quang phải tuân thủ nghiêm chế độ kiểm tra an toàn phòng và máy để đề phòng sự cố, nhất là những phòng tư nhân đặt giữa khu vực dân cư.
Đối với các cán bộ y tế làm việc tại các phòng chụp X-quang, nguy cơ nhiễm xạ nghề nghiệp cũng không thấp. Về mức độ nguy hiểm, nhiễm xạ nghề nghiệp hiện được xếp hàng đầu trong số 21 bệnh nghề nghiệp được nhà nước bảo hiểm. Việc xác định đối tượng nhiễm xạ nghề nghiệp không khó. Tuy nhiên, hiện nay số người được đưa đi giám định nhiễm xạ nghề nghiệp không nhiều. Nguyên nhân là do đội ngũ giám định còn mỏng và bản thân người làm việc trong môi trường nhiễm xạ chưa quan tâm đến việc kiểm tra mức độ nhiễm xạ của mình.
Các biện pháp chủ yếu để bảo đảm an toàn phóng xạ:
- Sử dụng máy đạt các tiêu chuẩn quy định.
- Che chắn phòng máy bằng vật liệu cản tia (như chì tấm, cao su chì, trát barrit...) để hạn chế tia phóng xạ lọt ra ngoài.
- Bố trí phòng X-quang xa khu dân cư, phòng phải có diện tích đúng quy định, y bác sĩ thao tác chuyên môn ở bên ngoài phòng phát tia.
- Hạn chế tối đa thời gian tiếp xúc với tia xạ.
(Theo Thanh Niên)