Hôm 1/8 gia đình anh Kiên ở Yên Thủy, Hòa Bình bị ngộ độc do ăn bọ xít khiến cả 6 người trong gia đình buồn nôn, đau mỏi người, trong đó một người hôn mê, suy đa tạng. Mặc dù sau hơn 10 ngày, bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã qua cơn nguy kịch, tuy nhiên chuyên gia cảnh báo an toàn thực phẩm từ côn trùng hiện nay đáng báo động.

Hình ảnh con bọ xít, loại mà gia đình anh Kiên ăn sau đó bị ngộ độc.Ảnh gia đình bệnh nhân cung cấp
Dựa trên hình ảnh bọ xít gia đình bệnh nhân gửi đến, các chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận dạng tên loài Agonoscelis nubilis (Fabricius, 1775).
GS.TS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, loài bọ xít này cùng họ với bọ xít vải (là họ Bọ xít 5 cạnh - Pentatomidae), phân bố ở các nước châu Á. Vì cùng họ với bọ xít vải – loài thường được người dân làm thực phẩm, nên dễ nhầm lẫn. Hiện chưa có thông tin nghiên cứu về sinh hóa loài này, nên trong chất tiết loài này chưa rõ tính độc.
Trong dân gian, một số loài bọ xít đã được khai thác làm thực phẩm như bọ xít hôi (Leptocorisa acuta), bọ xít xanh (Nezara viridula), bọ xít đen (Scotinophara spp) và bọ xít hại nhãn vải (Tesaratoma papillosa)... Bọ xít nhãn vải là loài được khai thác phổ biến và số lượng nhiều nhất để làm thực phẩm. Tuy nhiên GS Hiển cho biết, chưa có nghiên cứu thành phần sinh hóa về các loài này mà mới chỉ dừng ở vòng đời, thời kỳ phát sinh, phát triển để có lịch phòng trừ, vì đa số chúng hại cây trồng.
Ông cũng cảnh báo, bọ xít sinh trưởng ở gốc lúa, trong trường hợp của bệnh nhân nêu trên, thường là bọ xít đen hay còn gọi là bọ xít hôi. Loài bọ xít này thường gây hại nặng ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Chúng đẻ trứng ở gốc lúa, cách mặt nước khoảng 10 cm hoặc gần lá lúa thành từng ổ 40-50 trứng. Ấu trùng sống quanh ổ trứng sau khi nở một thời gian, rồi phân tán, di chuyển sang nơi khác quanh gốc lúa.
"Khi sử dụng bọ xít làm thực phẩm, đã có những trường hợp bị ngộ độc nặng, thậm chí là tử vong", GS.TS Bùi Công Hiển nói và cho biết rất khó biết nguyên nhân (có thể dính thuốc trừ sâu, hoặc lẫn côn trùng đã chết bị nấm ký sinh...).
Theo GS Hiển, không phải loại côn trùng nào cũng ăn được, vì vậy người dân cần cảnh giác với các loài lạ. Không dùng côn trùng đã ôi, thiu vì không chỉ các chất trong cơ thể chúng đã biến tính, mà thường đã bị nhiễm nấm mốc rất độc hại.