Người đại diện Andrey Grushin tuyên bố Đặng Văn Lâm đã đơn phương chấm dứt hợp đồng và trở thành cầu thủ tự do vì Muangthong United vi phạm cam kết tài chính. Đội bóng Thái Lan được cho là cắt 30% lương trong hai tháng gần nhất, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mà chưa được sự đồng thuận của Văn Lâm.
Thủ thành đội tuyển Việt Nam hiện tại nhận được ba lời mời từ Nhật Bản, Bồ Đào Nha và Nga.
Tuy nhiên, nếu muốn rời Thái Lan, Văn Lâm cần Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) cấp Giấy chứng nhận Chuyển nhượng Quốc tế (ITC). Bằng không, anh sẽ không được phép đăng ký lao động ở một quốc gia khác, theo Điều 6 Quy chế pháp lý và Chuyển nhượng cầu thủ được FIFA ban hành tháng 3/2016. Cũng theo quy chế này, Điều 5 ghi rõ rằng tại một thời điểm, cầu thủ chỉ được đăng ký cho một CLB. Tình huống tương tự từng xảy ra với nhiều cầu thủ, mà gần nhất là Lionel Messi hè 2020. Trong lúc căng thẳng giữa anh và CLB Barca leo thang, Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha từng dọa không cấp ITC.
Văn Lâm đã được Muangthong đăng ký thi đấu tại Thai League 2020-2021 và vào sân hai trận đầu mùa. Về pháp lý, FAT có quyền từ chối cấp ITC cho thủ thành 27 tuổi nếu tranh chấp giữa anh và CLB chưa được giải quyết.
Nếu thắng cuộc chiến pháp lý với Muangthong, như lời tuyên bố của người đại diện Grushin, Văn Lâm cũng phải chờ ít nhất nửa năm để sang nước khác chơi bóng. Do hầu hết các giải vô địch quốc gia châu Á bắt đầu từ mùa xuân và kết thúc trước mùa đông, kỳ chuyển nhượng giữa mùa tại J-League, V-League và nhiều giải khác bắt đầu từ khoảng tháng 7. Ngoại lệ xảy ra trong mùa 2020, khi V-League chuyển nhượng giữa mùa vào nửa đầu tháng 9, do ảnh hưởng của Covid-19. Nếu đến châu Âu, Văn Lâm cũng phải đợi đến kỳ chuyển nhượng hè 2021.
Nếu chọn ở lại Thai League, Văn Lâm cũng phải chờ tới hết mùa giải, vào khoảng tháng 6/2021 để tìm bến đỗ mới do giải đấu đã đi qua ba kỳ chuyển nhượng.
Điểm bất lợi của Văn Lâm, nếu đi đến cùng vụ việc với Muangthong, là anh chạm vào hai vùng cấm được FIFA quy định. Thứ nhất, giai đoạn bảo hộ hợp đồng. Đây là thời gian toàn bộ ba mùa giải hoặc ba năm ngay sau khi hợp đồng bắt đầu hiệu lực, trong trường hợp hợp đồng của cầu thủ chuyên nghiệp kết thúc trước sinh nhật lần thứ 28; hoặc hai mùa giải (hai năm) ngay sau khi hợp đồng có hiệu lực trong trường hợp hợp đồng của cầu thủ kết thúc sau sinh nhật lần thứ 28.
Hợp đồng giữa Văn Lâm và Muangthong đáo hạn vào tháng 5/2022, qua sinh nhật lần thứ 28 của thủ thành Việt Nam, trong khi anh mới đang ở mùa thứ hai. Nếu bị coi là chấm dứt hợp đồng không có lý do chính đáng trong giai đoạn bảo hộ, ngoài trả tiền bồi thường, Văn Lâm có thể phải chịu các biện pháp trừng phạt thể thao, như cấm thi đấu các trận chính thức trong vòng bốn tháng, thậm chí sáu tháng nếu vi phạm nghiêm trọng.
Thứ hai, FIFA khuyến cáo các bên không chấm dứt hợp đồng khi mùa giải đang diễn ra, nhằm bảo vệ tính toàn vẹn của giải đấu. "Trong mọi trường hợp, tính ổn định của giải đấu cần phải được ưu tiên hàng đầu", Quy chế pháp lý và Chuyển nhượng cầu thủ của FIFA nhấn mạnh.
Hướng đi khả dĩ nhất với Văn Lâm lúc này là tìm được tiếng nói chung với Muangthong và trở thành cầu thủ tự do. Bằng không, ngoài chuyện là người của Muangthong đến hết mùa 2020-2021, anh còn chịu ràng buộc của Điều 17 Quy chế pháp lý và Chuyển nhượng cầu thủ. Điều này nêu rõ, các biện pháp kỷ luật có thể được áp dụng ngoài giai đoạn bảo hộ (với Văn Lâm là mùa 2021-2022), nếu cầu thủ thông báo chấm dứt hợp đồng ngoài thời hạn 15 ngày kể từ trận đấu cuối cùng trong mùa giải được CLB đăng ký thi đấu.
Thắng Nguyễn