Theo Báo cáo đánh giá thứ năm (AR5) của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu, sự gia tăng nhiệt độ trung bình hàng năm và theo mùa sẽ rõ rệt hơn ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới so với khu vực nằm ở vĩ tuyến giữa. Điều đó có nghĩa Đông Nam Á có thể chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ quá trình ấm lên toàn cầu so với các khu vực khác ở châu Á. Tuy nhiên, báo cáo chưa nêu rõ nắng nóng ở Đông Nam Á sẽ thay đổi như thế nào dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu sinh tiến sĩ Dong Zizhen và giáo sư Wang Lin đến từ Viện Vật lý Khí quyển (IAP) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc tìm cách giải đáp vấn đề trên trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Earth's Future. Dựa theo dữ liệu từ dự án Community Earth System Model Large Ensemble, họ ước tính những thay đổi của nắng nóng ở Đông Nam Á theo các mức độ ấm lên toàn cầu khác nhau.
Theo nghiên cứu, thời tiết ấm hơn đi kèm với nắng nóng thường xuyên hơn, thời gian nắng nóng lâu hơn và nhiệt độ cực hạn cao hơn ở Đông Nam Á. Các thay đổi trong đặc điểm của nắng nóng có sự khác biệt vùng miền giữa lục địa Đại dương (tên gọi dành cho khu vực bao gồm Indonesia, Philippines và Papua New Guinea) và bán đảo Đông Dương (Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và Tây Malaysia) do chênh lệch nhiệt độ của ranh giới khí quyển.
Wang Lin, đồng tác giả nghiên cứu, cảnh báo sự kiện nắng nóng cực hạn cỡ "50 năm có một" vốn hiếm gặp trong điều kiện khí hậu hiện nay sẽ trở nên thường xuyên hơn trong tương lai và có thể xảy ra mỗi năm một lần ở Đông Nam Á.
An Khang (Theo Phys.org)