Giống nhiều nhà đầu tư trẻ tuổi và nhỏ lẻ tại Hàn Quốc, Hae-ri chọn các đồng tiền có giá trị nhỏ hơn Bitcoin, gọi là "altcoin". Cô chấp nhận bỏ hàng nghìn won vào các đồng coin vô danh với kỳ vọng tài khoản của mình sẽ nhân 10, 100 hay thậm chí là 1.000 lần, thay vì các đồng tiền số khác vốn có mức tăng giá ít hơn. Trong giới tiền điện tử, chúng được gọi là "coin xổ số".
Thế nhưng, việc các cơ quan quản lý trên toàn cầu mạnh tay với tiền số khiến chúng không còn giữ được đà tăng sau khi đạt đỉnh vào tháng 5. Tại Hàn Quốc, chính quyền nước này quy định trước 24/9, tất cả sàn giao dịch tiền số tại nước này cần tiết lộ chi tiết việc quản lý rủi ro, cũng như phải hợp tác với ngân hàng để đảm bảo các tài khoản giao dịch được nắm giữ bởi người thật.
Giới phân tích đánh giá, bước đi của chính quyền Hàn Quốc đang buộc nhiều sàn giao dịch tiền số tại đây phải hủy bỏ hàng trăm "altcoin" để tránh các nguy cơ pháp lý. Thế nhưng, nó cũng khiến những nhà đầu tư như Hae-ri đứng trước nguy cơ mất trắng số tiền đã đầu tư chỉ sau một đêm.
Giá của Metadium, đồng tiền mà Hae-ri đầu tư, đã giảm mạnh hàng trăm phần trăm giá trị trong giai đoạn tháng 4 - tháng 6, hiện chỉ còn 32,1 won (0,0281 USD) và đang tiếp tục giảm. "Tôi phải thừa nhận rằng bản thân đã không xem xét những báo cáo tài chính từ nhà điều hành Metadium, thay vào đó chỉ chạy theo sức hút của nó thông qua các phương tiện truyền thông và bạn bè", Hae-ri ngậm ngùi thừa nhận. "Tôi đang lo Metadium sẽ bị hủy niêm yết trên sàn trước tháng 9".
Hae-ri hiện giao dịch Metadium trên sàn Upbit - một trong những sàn tiền số lớn tại Hàn Quốc. Hàn Quốc hiện có hơn 60 sàn giao dịch tiền số đang hoạt động. Tuy nhiên, dựa trên luật mới, chỉ có bốn sàn giao dịch là Upbit, Bithumb, Coinone và Korbit được đảm bảo quan hệ đối tác với các ngân hàng, nhưng cần đăng ký là nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo.
Cũng theo luật pháp Hàn Quốc, các sàn giao dịch tiền số cần phải có chứng chỉ bảo mật từ cơ quan an ninh mạng nước này. Tính đến tháng 5/2021, chỉ có 20 sàn giao dịch nhận được chứng chỉ.
Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc mới đây đã liên hệ với nhiều sàn giao dịch, yêu cầu họ cung cấp các thông tin chi tiết về những tài sản bị hủy niêm yết hoặc bị tạm ngừng giao dịch. Đơn vị Tình báo Tài chính (FIU) của Hàn Quốc cũng đã gửi thông báo với 33 nền tảng giao dịch tiền số để cảnh báo rằng họ sẽ tiến hành tham vấn trước ngày 24/9.
Một số sàn giao dịch đã bắt đầu có động thái tuân thủ quy tắc của chính phủ Hàn Quốc. Vào cuối tháng 6, Upbit đã tạm dừng giao dịch 24 altcoin, chẳng hạn Komodo, AdEx, Lbry Credits, Ignis, Pica và Lambda. Trong khi đó, Bithumb cũng ngừng giao dịch 4 đồng, còn Probit đã loại bỏ 145 đồng tiền số cùng lúc chỉ trong tháng 6.
Theo một quan chức tại Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc, các sàn giao dịch không đáp ứng các quy định mới sẽ không nhất thiết phải đóng cửa, nhưng họ sẽ không thể giao dịch bằng đồng won. "Luật mới được sinh ra nhằm ngăn chặn các hoạt động rửa tiền bất hợp pháp. Luật cũng bảo vệ nhà đầu tư và ổn định thị trường trao đổi tiền điện tử", người này cho biết.
Trong một báo cáo hồi tháng 5 của BofA Securities, khối lượng giao dịch tiền điện tử hàng ngày của Hàn Quốc đạt 1.480 nghìn tỷ won trong quý đầu tiên. Con số này vượt quá tổng khối lượng giao dịch trên hai sàn chứng khoán hàng đầu Hàn Quốc là KOSPI và KOSDAQ.
Trước biến động giá của thị trường, những người như Hae-ri quyết tâm giữ lại đồng Metadium và đợi tăng giá - hành động mà cộng đồng tiền điện tử gọi là "HODL". Lee Jai-kyung, 27 tuổi, người đã đầu tư 40 triệu won (35.156 USD) vào tiền điện tử, cho biết anh đã mất 56% số tiền đã bỏ ra, nhưng không có kế hoạch cắt lỗ.
"Tôi sẽ để nguyên khoản đầu tư của mình bởi vì tôi đã mất quá nhiều và giờ không còn lý do gì để rút tiền ra nữa", Jai-kyung nói. "Hơn thế, tôi sẽ giữ nó vì tôi tin rằng sẽ có một đợt tăng giá nữa vào cuối năm nay".
Bảo Lâm (theo Reuters)