Theo mô tả thử thách trên mạng xã hội, nếu Zhang có thể ở một mình trong phòng khách sạn nhỏ lắp nhiều camera trong 26 ngày, tuân thủ một số quy tắc, anh sẽ nhận phần thưởng tiền mặt lên tới 118.000 USD.
Zhang cảm thấy đây là cơ hội đổi đời. Người đàn ông ở Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây, đang thất nghiệp và chìm trong nợ nần, nên cần tiền mặt nhanh chóng. Anh đăng ký và trả phí tham gia thử thách 950 USD mà không chút do dự, nhưng nhanh chóng thất bại chỉ sau vài giờ.
Zhang thử lại lần thứ hai, rồi lần thứ ba, nhưng đều nhanh chóng bị loại. Sau nhiều ngày nỗ lực, Zhang đã trả gần 2.800 USD phí tham gia và bắt đầu cảm thấy bị lừa.
"Họ hàng bảo tôi đây rõ ràng là lừa đảo", Zhang nói với truyền thông Trung Quốc. "Quy tắc thoạt nghe đơn giản, nhưng vượt quá giới hạn chịu đựng của con người và về cơ bản là không thể hoàn thành".
Zhang là một trong những người bị hấp dẫn tham gia những thử thách gần như không thể thực hiện, nhắm vào người thất nghiệp, thu nhập thấp.
Hầu hết là những thử thách tự cô lập tương tự trường hợp của Zhang, trong đó người tham gia cố gắng ở nhiều ngày trong phòng nhỏ có camera giám sát và được nhân viên các công ty tổ chức thử thách theo dõi 24/24.
Theo quy tắc, người tham gia phải ở trong phòng mọi lúc, không được sử dụng thiết bị điện tử, không được giao tiếp với bất kỳ ai, không được che mặt ở bất kỳ thời điểm nào, không được di chuyển hay che camera.
Những mô tả trên mạng xã hội khiến những quy tắc thoạt nghe dễ dàng, người chơi còn "có thể đọc sách, vẽ, đan lát, ngắm cảnh ngoài cửa sổ". Nhưng giống như Zhang, các người chơi thường mất một khoản lớn để liên tục đăng ký, để rồi bị loại vì những vi phạm nhỏ.
Trong lần tham gia đầu tiên hồi tháng 9, Zhang bị loại trong vòng 24 tiếng do che mặt hơn ba giây. Lần hai, Zhang bị loại vì quay lưng vào camera trong phút chốc để dọn giường. Lần ba, anh rời cuộc chơi vì "che khuất một lon bia" khi đang tập thể dục, vi phạm quy tắc "tự rèn luyện" là không chạm hay uống đồ uống có cồn đặt sẵn trong phòng.
Các công ty thường phát trực tiếp, đăng video ngắn và hình ảnh về nỗ lực của người tham gia trên mạng xã hội để thu hút thêm nhiều người đăng ký.
Không rõ thời điểm loại hình thử thách này bắt đầu, nhưng nó đã trở nên phổ biến nhanh chóng ở Trung Quốc những tháng gần đây. Khi tìm kiếm trên Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, người dùng có thể bắt gặp hàng chục tài khoản giới thiệu "thử thách kỷ luật".
Khi đăng ký, nhân viên các công ty tổ chức thử thách sẽ hỏi về tuổi tác, thành phố cư trú, tình trạng sức khỏe của người tham gia, trước khi gửi tài liệu nêu rõ các quy tắc của thử thách.
Phí đăng ký dao động trong khoảng 825-1.100 USD, với các thử thách kéo dài từ 20-30 ngày, phần thưởng lên đến 42.000-84.000 USD. Các công ty dường như nhắm đến những người trung niên, khi mô tả thử thách dành cho bất kỳ ai từ 45-50 tuổi có sức khỏe tốt.
Zhang rất tức giận khi liên tục bị loại, cuối cùng đệ đơn kiện công ty với hy vọng buộc các nhà tổ chức hoàn lại phí đăng ký.
Câu chuyện của Zhang khiến các chuyên gia pháp lý thúc giục chính quyền hành động chống lại vấn nạn này. Xia Hailong, luật sư ở Thượng Hải, nhận định các thử thách có tính chất giống đánh bạc, khi người tham gia được khuyến khích chấp nhận rủi ro để theo đuổi phần thưởng.
"Các nạn nhân nên thu thập bằng chứng và thực hiện hành động pháp lý nếu cảm thấy mình đã bị dụ vào bẫy", ông Xia nói.
Zhang không phải người đầu tiên kiện nhà tổ chức thử thách. Hồi đầu năm, một người đàn ông họ Sun ở tỉnh Sơn Đông đã đệ đơn kiện, cho rằng mình bị lừa đảo phí đăng ký. Sun đã trả 825 USD để tham gia thử thách tự giam trong phòng 30 ngày, nhằm đạt phần thưởng hơn 34.000 USD. Nhưng sau ba ngày, Sun bị loại do vi phạm quy tắc vì che mặt bằng gối khi ngủ.
Cuối cùng, thẩm phán đã ra phán quyết có lợi cho anh, yêu cầu công ty tổ chức thử thách trả lại cho Sun 740 USD.
Đức Trung (Theo Sixthtone, CNA, Global Times)