Ghi nhận 24 ca nghi nhiễm liên quan nhóm bệnh nhân Tân Sơn Nhất sáng 8/2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng còn có những trường hợp có thể đã nhiễm nhưng không phát hiện được.
"Điều lo lắng nhất là dịch đã trải qua các chu kỳ lây nhiễm nhưng chúng ta chưa bắt được điểm đầu của chuỗi lây. Nguy cơ lây nhiễm quá phức tạp", Bộ trưởng Long nói.
Chiến thuật dập dịch TP HCM cần áp dụng lúc này là mở rộng phạm vi truy vết, khoanh vùng thật nhanh, lấy mẫu triệt để. Một số khu vực cần xem xét cách ly, phong tỏa theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16.
Ông Phan Trọng Lân, giám đốc Viện Pasteur TP HCM cho biết, khi phát hiện, phần lớn các ca không có triệu chứng. Đã có tình huống F1 âm tính mà F2 dương tính, cho thấy virus đã đi rất xa, khó phát hiện. Các ca dương tính xuất hiện ở 6 quận, huyện. Do đó, vấn đề xét nghiệm phải đặt lên hàng đầu, lấy mẫu trên diện rộng, số lượng mẫu sẽ rất lớn.
"Chỉ có xét nghiệm mới bắt được ca nhiễm sớm, tiến hành truy vết, kiểm soát", ông Lân nói.
Đồng thời, ông Lân đề nghị thành phố có kế hoạch phân bổ lưu lượng mẫu xét nghiệm, không tập trung một chỗ. Khi lấy mẫu phải quản lý chặt, tránh nhầm lẫn. Khi có kết quả trả đúng nơi, xử lý nhanh. Đội truy vết lấy mẫu tập trung cho F1, khoanh vùng sớm nhất.
Bộ trưởng Long đề nghị thành phố lấy mẫu theo hộ gia đình, có thể xét nghiệm gộp lên đến 16 mẫu. Viện Pasteur được yêu cầu nâng công suất từ 30.000 mẫu lên 50.000 mẫu, thậm chí 200.000 mẫu một ngày để đáp ứng đủ nhu cầu xét nghiệm số lượng lớn.
TP HCM sáng 8/2 ghi nhận thêm 24 ca nghi nhiễm mới, liên quan đến "bệnh nhân 1979", 2002, 2003, 2004, 2005. Trong đó, Bình Thạnh và Gò Vấp mỗi quận 5 trường hợp, đều là F2 của "bệnh nhân 1979". Quận 12 có 7 trường hợp. Quận Tân Bình 7 trường hợp, gồm 5 ca F2 liên quan sân bay Tân Sơn Nhất và hai trường hợp đến quán lẩu dê "bệnh nhân 1979" từng ăn.
24 ca nghi nhiễm đã được đưa đến Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Thư Anh